|
Cứ 2 giây lại có một người Trung Quốc mua xe ô tô mới. Dự báo, năm 2014, quốc gia này sẽ có thêm 21 triệu đầu xe đưa vào sử dụng từ xe hơi, xe tải đến xe buýt. Việc gia tăng phương tiện giao thông đã đẩy Trung Quốc đối mặt với “cơn khát” xăng dầu.
Năm 2014, tiêu thụ 24 triệu ô tô
Nếu không bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và không có quy định của Chính phủ hạn chế sở hữu xe hơi cá nhân, áp đặt những loại phí giao thông hà khắc, thì tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở Trung Quốc sẽ còn nhanh hơn nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc đến năm 2020, số lượng phương tiện giao thông ở Trung Quốc sẽ còn nhiều hơn cả nước Mỹ.
Trên thực tế, có 2 nguyên nhân giải thích cho sự bùng nổ này. Một là, tỷ lệ phương tiện trên đầu người của Trung Quốc đang ở mức thấp, 85 phương tiện/1.000 người trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 800/1.000. Hai là do nguyện vọng của người có thu nhập cao, các hộ gia đình sống ở thành thị.
Theo dự báo của Hiệp hội Ô tô Đức (VDA), tổng lượng xe hơi bán ra trên toàn cầu năm 2014 sẽ đạt 75 triệu chiếc. Nếu tính cả xe tải và xe buýt, con số này sẽ là 85 triệu. Trong đó, khoảng 23-24 triệu chiếc sẽ xuất hiện tại Trung Quốc. Thị trường Mỹ sẽ chỉ tiêu thụ khoảng 16 triệu chiếc vào năm 2014 và đạt đỉnh là 17 triệu chiếc vào năm 2017. Ngược lại, nhu cầu xe hơi của Trung Quốc sẽ tăng mạnh lên 25-30 triệu chiếc mỗi năm sau thập kỷ này.
Mặc dù những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu đã chuẩn bị cho lộ trình hạn chế sử dụng phương tiện giao thông để đối phó với nạn tắc đường và ô nhiễm, các nhà phân tích vẫn tin rằng nhu cầu người tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, những hãng sản xuất xe hơi lớn như VW, GM, Hyundai, Toyota cùng với các đối tác liên doanh của họ đã bắt đầu tấn công các thành phố cấp 2, cấp 3 và cấp 4 nơi nhu cầu sở hữu xe hơi đang ngày càng tăng nhanh.
“Khát” nhiên liệu
Theo cơ quan Năng lượng Mỹ, năm 2013, mỗi ngày Trung Quốc nhập 6,3 triệu thùng dầu, Mỹ là 6,13 triệu thùng. Xu hướng này sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2014 và mỗi ngày Trung Quốc tiêu thụ 11 triệu thùng. Chính những điều này đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng lớn nhất trong lĩnh vực mua bán nhiêu liệu cho giao thông vận tải.
Phần lớn người Trung Quốc sẽ vẫn dùng xe chạy xăng và dầu diesel. Hiện nay, nước này vẫn là quốc gia sử dụng năng lượng nhiều nhất thế giới và phải nhập khẩu tới 60% nhu cầu dầu thô để đáp ứng nhu cầu giao thông, nhà máy lọc dầu cũng như ngành nhiệt điện. Đa phần trong số 10,5 đến 11 triệu thùng dầu nước này tiêu thụ mỗi ngày đến từ Saudi Arabia và các nước Trung Đông khác.
Để đưa được dầu tới Trung Quốc, các quốc gia vùng Vịnh phải sử dụng tuyến đường chuyên chở thông qua eo biển Malacca giữa Malaysia và Indonesia. Đây được gọi là điểm tắc nghẽn, do đó bất cứ thay đổi nào ở đây cũng khiến Trung Quốc gặp rắc rối. Vì thế trong lúc nhu cầu nhiên liệu phục vụ vận tải ngày càng tăng, Trung Quốc cũng đang cố gắng hạn chế sự phụ thuộc vào dầu mỏ bằng cách chuyển qua sử dụng các nguồn khác như than, năng lượng hạt nhân, khí đốt tự nhiên và các nguồn năng lượng sạch như mặt trời, gió, thủy điện… Nước này hiện là quốc gia sử dụng phong điện (điện gió) lớn nhất thế giới đồng thời là nhà sản xuất thống trị ngành sản xuất modul điện mặt trời.
Cùng lúc, đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng bằng cách đầu tư và khuyến khích nhập khẩu dầu qua đường ống dẫn dầu khu vực Trung Á, Nga và đường ống dẫn dầu mới từ biển Ấn Độ Dương qua Myanmar. Ngoài ra, còn đầu tư vào những mỏ dầu, gas ở Nam Mỹ, Bắc Mỹ, mỏ đá sít ở miền Tây Canada… Trong vòng vài năm tới, khí hóa lỏng từ Áo, Papua New Guinea, Bắc Mỹ và châu Phi sẽ đến Trung Quốc cùng với khí hóa lỏng từ vùng Yamal Peninsula (Tây Bắc Siberia) qua đường Biển Bắc (lộ trình này ngắn hơn nhưng nguy hiểm hơn chạy dọc biển Arctic tới eo biển Bering từ đó vào Thái Bình Dương).
Tất cả những điều đó cho thấy Trung Quốc chứ không phải Mỹ sẽ là thị trường lớn nhất của các nhà kinh doanh dầu mỏ trong tương lai.
Theo GiaoThongVanTai
|