Đó là nhận định của khối nghiên cứu ngân hàng HSBC trong Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2014.
Theo báo cáo của HSBC, chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tháng 4 đã tăng lên mức 53,1 điểm từ mức 51,3 điểm trong tháng 3 với tất cả chỉ số phụ đều tăng mạnh. Đây là mức cao nhất của PMI Việt Nam kể từ khi HSBC bắt đầu khảo sát từ tháng 4/2011.
Cũng theo nhận định của HSBC, sản lượng, đơn đặt hàng xuất khẩu mới và việc làm đều tăng lên trong hai tháng qua đã phản ánh nhu cầu từ Mỹ và các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đang được cải thiện.
Cụ thể, xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và phụ kiện di động tăng so với năm ngoái và sẽ còn có kết quả tốt hơn trong nửa sau năm 2014 khi hoạt động đầu tư mới bắt đầu đưa vào vận hành. Cùng với hàng hoá sản xuất, một số mặt hàng nông nghiệp cũng được lợi từ giá cả hàng hoá quốc tế ngày càng tăng cao, nhất là cà phê.
Với những diễn biến trên, HSBC kỳ vọng, lĩnh vực sản xuất sẽ phát triển nhờ vào sự hỗ trợ của nhu cầu nước ngoài được cải thiện và hoạt động đầu tư ngày càng tăng. Ngoài ra, nhu cầu nội địa cũng sẽ phục hồi khi tăng trưởng tín dụng tăng.
Hiện Ngân hàng Nhà nước và 5 ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước đang lên kế hoạch xây dựng gói hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản. NHNN cũng giảm các mức lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng cho vay. Kết quả là từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng đạt 1% từ mức tăng trưởng âm trong quý I/2014.
Theo Tạp chí Thuế