Bên cạnh việc triển khai các dự án đã được cấp phép tại Myanmar, Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam cũng sẽ hướng tới việc tập trung đầu tư vào Myanmar các dự án mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng, sản xuất cơ khí...
Triển khai nhiều dự án lớn
Thông tin từ AVIM cho biết, đến cuối năm 2013, đã có 45 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar, 19 doanh nghiệp đang chờ cấp phép; 7 dự án đã được phía Myanmar cấp phép với tổng giá trị vốn đầu tư đăng ký hơn 600 triệu USD. Theo kế hoạch đã được lãnh đạo 2 nước thống nhất, đến năm 2015, hợp tác thương mại Việt Nam- Myanmar phấn đấu đạt các chỉ tiêu: đầu tư đạt 1 - 1,2 tỷ USD; Kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 600 triệu USD; Du lịch đạt 35.000 lượt khách Việt Nam sang Myanmar, tăng trưởng 30%/năm.
Được biết, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội AVIM đang và sắp triển khai tại Myanmar một số dự án lớn như: Dự án liên doanh thăm dò dầu khí Tổng công ty thăm dò và khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP); Dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cho thuê của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai; Dự án khai thác đá mable của Công ty CP Simco Sông Đà và dự án sản xuất bơm kim tiêm y tế của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Minh Vũ chuẩn bị đầu tư sang Myanmar.
Ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch AVIM- cho biết: Để đạt được các chỉ tiêu Chính phủ hai nước đã thống nhất, AVIM đã đề xuất một số các giải pháp cụ thể như: Lựa chọn các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực tài chính, kinh nghiệm làm đầu mối để đầu tư các dự án lớn, trọng điểm tại Myanmar; ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực Myanmar cần, Việt Nam có thế mạnh như: nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, chế biến lương thực, sản xuất hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng, sản xuất cơ khí, phụ tùng thiết bị, kinh doanh dịch vụ, du lịch.... Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp như nghiên cứu thị trường, thủ tục đầu tư, thu xếp tài chính...
Cần những chính sách hỗ trợ
Hiệp hội AVIM cũng kiến nghị Chính phủ 2 nước một số cơ chế, chính sách cụ thể cho các dự án của các nhà đầu tư Việt nam đang triển khai tại Myanmar, thuộc các lĩnh vực như: ngân hàng, dầu khí, khách sạn- văn phòng, hàng không, nông nghiệp, thủy hải sản... Cụ thể, đối với một số dự án trọng điểm, AVIM mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ để Việt Nam sớm thành lập Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) tại Myanmar; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho PVEP tiến hành khoan thăm dò tiến tới khai thác dầu khí trên đất liền. Đối với hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, AVIM cũng đề nghị phía Myanmar có những chính sách ưu đãi cho Việt Nam thủ tục đăng ký giống mới, nhập khẩu giống, cơ chế khuyến khích trong sản xuất cánh đồng lúa mẫu lớn và chế biến gạo xuất khẩu...; thúc đẩy các dự án trồng cây công nghiệp; trồng lúa và chế biến gạo xuất khẩu, xay sát chế biến lương thực, trồng và chế biến nông sản xuất khẩu, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi bò phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến sữa... Đối với lĩnh vực hàng không, cùng với việc VietnamAirline tăng 10 chuyến/tuần thì AVIM còn đề nghị Chính phủ Myanmar cho phép Vietnam Airlines tiến hành nghiên cứu khả thi liên doanh với Myanmar để mở các chuyến bay nội địa.
Được biết, BIDV đã hiện diện tại Myanmar từ tháng 4/2010 với sự có mặt văn phòng đại diện, định chế tài chính này hiện đã chuẩn bị sẵn sàng để thành lập ngân hàng thương mại tại Myanmar ngay sau khi được cho phép và sẽ trở thành một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên hoạt động tại quốc gia này. Đại diện BIDVcho hay, ngân hàng đã đề xuất một số nội dung hợp tác với Ngân hàng Phát triển công nghiệp vừa và nhỏ Myanmar (SMIDB) trong thời gian tới như phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho SMIDB tại Myanmar, trao đổi thông tin về nghiệp vụ ngân hàng, các cơ chế chính sách kinh tế, tài chính, ngân hàng giữa hai nước.
Theo Báo Công Thương Điện Tử