|
Từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu; từ con số khiêm tốn, thặng dư thương mại 4 tháng đầu năm nay đã đạt mức kỷ lục với trên 2 tỉ USD... Nền kinh tế đang có những dấu hiệu tích cực và quan trọng hơn, nó cho thấy nhiều doanh nghiệp đã thực sự bứt ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất để tồn tại và phát triển.
Đóng góp chủ yếu vào con số xuất siêu trên 2 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm vẫn là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này chứng tỏ môi trường trong nước vẫn đang thuận lợi, vẫn tạo ra cơ hội sinh lời cho các nhà đầu tư ngoại bất chấp kinh tế toàn cầu chưa thực sự thoát khỏi dư chấn của cuộc khủng hoảng. Đây cũng là lý do một loạt các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục tăng vốn, mở rộng quy mô tại VN. Dù chỗ này chỗ kia vẫn tồn tại một số bất cập; dù có xảy ra một vài sự cố ngoài ý muốn nhưng với cộng đồng DN nói chung, kinh doanh hiệu quả là minh chứng rõ ràng nhất, cụ thể nhất cho những cam kết về môi trường đầu tư của Chính phủ.
Đóng góp ít hơn nhưng con số thặng dư kỷ lục lại có ý nghĩa đặc biệt với các DN trong nước. Bởi trong 5 ngành có mức thặng dư cao nhất gồm dệt may, đồ gỗ, công nghệ thông tin, da giày, thủy sản hầu hết là những ngành truyền thống với sự tham gia của rất nhiều DN nội địa. Họ có thể góp ít, thậm chí không góp phần vào con số 2 tỉ USD thặng dư nói trên nhưng điều quan trọng hơn sau con số này là họ vẫn đang tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu của VN. Đây là sự nỗ lực cực lớn của các DN trong nước nếu nhìn lại những gì họ đã trải qua.
Chúng ta đều biết, đa số DN nội địa có quy mô nhỏ, vốn ít nhưng trong chưa đầy 6 năm qua, họ cùng lúc phải đối mặt với 3 "cuộc chiến". Đầu tiên là cuộc cạnh tranh với các công ty nước ngoài ngay tại sân nhà khi VN chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Đúng 1 năm sau, khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra, "cuộc chiến" tìm thị trường mới, tăng chất lượng - giảm giá thành để giành hợp đồng... đã khiến không ít công ty phá sản. Bên ngoài cam go, trong nước càng chật vật hơn khi lạm phát tăng vọt, lãi suất bị đẩy lên trời. Cuộc chiến với chi phí đầu vào tăng, sức mua giảm, tồn kho không thể giải phóng tiếp tục bào mòn sức khỏe cộng đồng DN. Trong bối cảnh đó, những DN vẫn giữ được thị trường, vẫn tham gia vào quy trình sản xuất, xuất khẩu đã khẳng định bản lĩnh và sức sống của họ. Hay nói cách khác, họ đã thoát khỏi giai đoạn "cầm cự" để chuyển sang giai đoạn phục hồi trở lại.
Đến lúc này, khó khăn vẫn còn nhưng các chỉ số vĩ mô đã "sáng" hơn. Lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định, lãi suất đã giảm, xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu đạt kỷ lục... Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng hơn, chắc chắn hơn khi vốn từ hệ thống ngân hàng đã bắt đầu chảy vào sản xuất, bắt đầu đến được tay doanh nghiệp. Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng, những DN đã "kinh qua" 3 "cuộc chiến" nói trên để "sống" đến hôm nay sẽ nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Theo Báo Thanh Niên
|