Vụ việc máy bay Vietjet Air bay Đà Lạt hạ cánh Nha Trang đang được nhiều người nhìn nhận là sai lầm nguy hiểm của hãng hàng không này. Đây không phải lần đầu VietjetAir vấp phải những lỗi nguy hiểm trong điều hành bay và sau đó lại lấp liếm bằng những lý do “không thể hiểu nổi”.
Một hành khách trong chuyến bay nhầm lẫn địa chỉ hạ cánh cho biết, khi máy bay đáp đường băng, mọi người đều nghe rõ tiếng tiếp viên hãng thông báo, phi cơ đã hạ cánh xuống sân bay Liên Khương, Đà Lạt, và thông báo luôn chỉ số nhiệt độ bên ngoài khá cao. Không ít hành khách phải ồ lên ngạc nhiên vì làm sao sân bay Liên Khương lại có nhiệt độ như vậy được, và kết quả sau đó phi hành đoàn mới thông tin là sân bay Cam Ranh!
Chi tiết ấy cho thấy thật sự có sự bất ổn trong cung cách điều hành bay của Vietjet Air, bởi một chuyến bay không hề đơn giản chỉ là lao lên trời và hạ xuống đất “như Tôn Ngộ Không”. Có hàng loạt yêu cầu về quản lý và các tiêu chí khác phải luôn được tuân thủ nhằm bảo đảm các chuyến bay an toàn nhất.
Song phải chăng Vietjet Air đã không chú trọng đến điều đó nên liên tiếp trong một thời gian dài, đã xảy ra nhiều sự cố, như bỏ rơi khách 2 ngày ở sân bay Đà Nẵng, suýt nữa thì nhầm cả đoàn hành khách bay Hà Nội…
Thông cáo báo chí do Vietjet Air đưa ra sau sự cố “Đà Lạt thành Nha Trang” để lý giải nguyên nhân nhầm sân bay còn tỏ ra “sơ hở” hơn, khi đổ phần trách nhiệm cho phi công nhận định về thời tiết. Song hãng không minh chứng được rằng phi công đã xin phép ai, có được sự thống nhất hạ cánh của cơ quan quản lý vùng bay ở Cam Ranh.
Theo một chuyên gia hàng không phân tích, nếu đây là trường hợp sự cố bất thường không có liệu tính trước, cũng đâu dễ gì một máy bay “tự nhiên nhảy bổ” xuống một đường băng của một sân bay không có kế hoạch đón trước, mà không hề nảy sinh yêu cầu xử lý cứu hộ nào cả? Chuyện một máy bay “khẩn cấp hạ cánh” luôn đi kèm một quy trình “báo động” xử lý rất nghiêm ngặt, chứ không như các phim hành động hay miêu tả.
Còn nếu đây là trường hợp từng xảy ra do yếu tố khách quan như hãng đưa tin, thì rõ ràng sẽ thuộc quy trình đã có ở “sách giáo khoa về hàng không”. Trường hợp như vậy khi xảy ra, quy trình lập tức áp dụng được. Vậy vì sao Cục Hàng không Việt Nam lại phải đi tìm nguyên nhân sự cố nhầm lẫn? Hay do Cục không nắm được quy trình của Vietjet Air?
Mà trước sự cố này, hãng hàng không Vietjet Air cũng đã giải thích các sự cố tương tự với thái độ “lấp liếm” không kém. Những hành khách đi chuyến bay VJ 8882 Đà Nẵng - Hà Nội ngày 17/2/2014 đã không hiểu tại sao một hãng máy bay lại có thể liên tục đưa ra những lời giải thích quanh co về việc chậm chuyến đến 2 ngày.
“Có lẽ đây là một doanh nghiệp, một hãng hàng không duy nhất trên thế giới tiết kiệm lời xin lỗi đến khách hàng”, một hành khách trễ chuyến tại Đà Nẵng đã giận dữ nhận xét như vậy.
Do áp lực của dư luận, lãnh đạo Vietjet Air cuối cùng đã phải đưa ra lời xin lỗi của mình về hành động sai lệch của đội ngũ nhân viên trong vụ “bay nhầm nơi đến”. Song bao nhiêu sự cố đã xảy ra trước đây, những tình cảnh hoãn chuyến mệt mỏi kéo dài hàng buổi, thái độ không lắng nghe khách hàng của đội ngũ nhân viên Vietjet Air… thì ai sẽ xin lỗi?
Liệu trong thời gian đến, hãng hàng không này có chịu thay đổi, cách tân hay không, để không tiếp tục đưa hành khách vào những cảnh “chẳng đặng đừng” và ấm ức vì bị đối xử ngược ngạo? Và dư luận sẽ phải nghe thêm những lời nói dối khác của hãng?
Nên chăng, Cục Hàng không Việt Nam, cùng các cơ quan quản lý chức năng, không thể chỉ đơn giản nhận một lời xin lỗi muộn, một quyết định đình chỉ bay với nhóm nhân viên nào đó nữa, mà phải nghiêm minh hơn với thái độ của hãng hàng không Vietjet Air?
Đừng để những sai lầm và nói dối tiếp tục tái diễn mà hậu quả về sau biết đâu sẽ còn chua xót hơn nhiều cho những hành khách đi hãng máy bay này.
Theo Baomoi.com