Trong hai ngày 29 và 30/7, từ nguồn tin do PV Báo Giao thông điều tra, cung cấp, hàng loạt xe “siêu tải” chở xi măng đã bị lực lượng chức năng Ninh Bình bắt giữ.
|
Đoàn xe “siêu tải” nối đuôi nhau chờ vượt trạm cân (Chụp gần cầu Yên QL1, phía Nam TP Ninh Bình lúc 11h ngày 29/7) |
Vượt tải trọng cho phép đến 260%
18h chiều 29/7, tại cổng Nhà máy Vicem Tam Điệp, quan sát từ cổng nhà máy ra, PV Báo Giao thông phát hiện xe đầu kéo 29C-152.83, kéo theo rơ - moóc 29R-0136 do tài xế Phùng Mạnh Thường điều khiển dán logo Công ty Hà Phát “nghễu nghện” rời trạm cân của nhà máy với lượng hàng “khủng”.
Khi xe vừa rời đi, PV điện thoại cho lãnh đạo trạm tuần tra kiểm soát (TTKS) QL1, Phòng CSGT Ninh Bình thông báo lộ trình hướng đi của xe. 30 phút sau, tại Km 274+650 thuộc TX Tam Điệp, Tổ TTKS do Trung tá Đỗ Văn Bình - Trạm phó làm tổ trưởng đã phát hiện và dừng phương tiện, đồng thời áp tải về trạm cân. Đúng dự đoán, kết quả kiểm tra tải trọng cho thấy, xe đầu kéo đã chở tổng tải trọng 105,1 tấn, vượt 119,1% tải trọng 48 tấn cho phép đối với xe 6 trục.
"Cước một tấn xi măng từ Vicem Tam Điệp đi Vũng Áng nếu chở đúng tải phải là 680.000 đồng - 700.000 đồng, cao gấp hơn hai lần so với cước hiện tại 280.000 đồng - 300.000 đồng như hiện nay. Vì vậy, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm và bình đẳng với tất cả xe quá tải. Khi đó, chắc chắn chẳng doanh nghiệp nào thích chở quá tải để vừa bị phạt và lại mất thương hiệu”.
Tổng giám đốc Vicem Tam Điệp Nguyễn Sỹ Ngọc
“Chủ bảo cứ chạy, lỡ có bị bắt thì điện về thông báo, chủ sẽ lo, miễn sao mình không xuất trình bằng lái là được bởi lẽ với tài xế bằng lái xe là cần câu cơm của cả gia đình, chở quá tải nếu bị phạt sẽ treo bằng hai tháng, điều này đồng nghĩa với việc cả nhà phải “treo niêu”.
Lái xe BKS 35C-018.46 |
Trưa 30/7, cũng tại cổng Vicem Tam Điệp, PV Báo Giao thông tiếp tục phát hiện xe đầu kéo 35N-7704 kéo rơ - moóc 35R- 0283 chở xi măng bao với dấu hiệu quá tải rõ rệt bất chấp trời mưa vẫn khởi hành. Một lần nữa, PV thông báo cho Trạm TTKS QL1 của Ninh Bình. Chiếc xe này sau đó đã bị lực lượng chức năng bắt giữ và lập biên bản. Theo phiếu xuất kho tại nhà máy mà lái xe Hoàng Văn Mạnh, trú tại Kim Sơn, Ninh Bình cung cấp, xe chở 90 tấn xi măng bao, trong khi tải trọng cho phép là 28 tấn.
Trước đó, 11h trưa ngày 29/7, nhóm PV Báo Giao thông cũng phát hiện đoàn xe gồm 10 xe tải nặng chất đầy xi măng và 4 xe bồn có biểu hiện quá tải đang nằm chờ bên QL1, trước trạm kiểm tra tải lưu động tỉnh Ninh Bình 1km về phía Nam.
Sau khi nắm bắt tình hình, PV đã liên hệ với Tổ kiểm tra tải trọng xe lưu động dùng kế hoạch “nghi binh” để bắt giữ. Đến 11h30, một lái xe tiến lại gần trạm cân, nhận thấy tổ liên ngành chuẩn bị giao ca, liền gọi điện thông báo cho cả đoàn và lập tức, hàng loạt xe nổ máy, rú ga, nối đuôi hòng vượt trạm. Cùng lúc đó, Trạm trưởng Trạm TTKS QL1 của Phòng CSGT Ninh Bình, Thượng úy Lê Trung Kiên đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng liên ngành chặn bắt được 4 xe dẫn đầu mang BKS: 29C-359.98, 35C-011.77, 35N-8759, 29C-036.37 đưa vào trạm cân. Các xe còn lại quay đầu rẽ vào quán cơm, cây xăng ven đường để trốn. Kết quả, cả 4 xe đều chở vượt tải trọng cho phép từ 71% - 260%. Điển hình là xe BKS 29C-036.37 có tổng tải trọng lên đến 61,48 tấn, vượt 260,5% tải trọng cho phép.
Lái xe Chu Đức Đoàn điều khiển xe đầu kéo 29C-359.98 đã thừa nhận hành vi chở quá tải và cho biết vừa nhận xi măng từ Nhà máy xi măng Duyên Hà đang trên đường vận chuyển ra Hà Nội. Theo phiếu cân lúc rời Nhà máy, trọng lượng xi măng trong bồn đã là trên 50 tấn, trong khi theo đăng kiểm xe này chỉ được phép chở tối đa 25 tấn. Lái xe Đoàn cũng cho biết, việc chở quá tải với xi măng Duyên Hà khá phổ biến.
Các lái xe cũng khẳng định họ biết rõ lượng hàng hóa đang chở, các vị trí, thời gian giao ca của các trạm. Lái xe BKS 18C-022.12 chở xi măng từ Nhà máy xi măng Duyên Hà về Nam Định cho biết: Sáng sớm xuất phát từ Nam Định trưa nhận xi măng rồi ngược trở lại. Muốn thoát Trạm cân Ninh Bình thì cứ đỗ trước trạm chừng 1km, đến 11h45’ trưa là... vọt. Còn ở Nam Định, sáng đi mà không thấy lực lượng chức năng là lúc về có thể đi vô tư. “Các anh cứ lại cổng nhà máy là thấy, không chỉ xi măng mà có cả xe chở clinker ra cảng ngày đi 4 đến 5 lượt có bị bắt đâu”- lái xe này quả quyết.
|
Xe chở xi măng siêu khủng trong Nhà máy xi măng Pomihoa chuẩn bị khởi hành | 16h cùng ngày, PV có mặt tại đường dẫn vào Nhà máy xi măng Duyên Hà, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Tại đây, có khoảng 10 xe bồn và 4 xe HOWO loại 3 chân đang nằm chờ nhận xi măng, clinke. Vào vai nhóm kỹ sư giao thông đang đi khảo sát tuyến, chúng tôi được tài xế xe 35C-018.46 của Công ty Vận tải Đại Đoàn cho biết: Bình quân mỗi xe chở từ 40 - 45 tấn clinke/chuyến, ngày chạy từ 4-5 chuyến từ nhà máy ra Cảng Khánh Phú. Công ty có hơn chục xe cùng loại, ngày nào cũng chở từ 40 - 50 chuyến nhưng lâu nay vẫn chưa bị phạt quá tải.
Không chỉ Vicem Tam Điệp hay Duyên Hà mà tại Nhà máy xi măng Pomihoa, nằm ngay sát TX Bỉm Sơn, chiều 30/7, PV cũng đã tận mắt thấy chiếc xe siêu khủng chở cả trăm tấn xi măng bao đang chuẩn bị rời nhà máy. Điều đáng nói là khi phát hiện máy ảnh của PV, bảo vệ nhà máy đã yêu cầu xe 36M- 8208 lùi vào án binh bất động tại sân nhà máy(!).
Trước đó một ngày, PV cũng phát hiện xe tải BKS 36C-051.64 của Doanh nghiệp Hồng Phượng xếp xi măng vượt hai lần thành thùng. Với hình ảnh PV đã ghi lại, chiếc xe này chở vượt không dưới hai lần tải trọng cho phép.
|
Lái xe thừa nhận hành vi vi phạm và ký vào biên bản xử phạt hành chính |
Bảo vệ được lệnh đóng cổng ngăn phóng viên
Trước sự việc trên, PV đã đi tìm câu trả lời từ lãnh đạo các nhà máy xi măng. Tuy nhiên, vào lúc 14h20 ngày 30/7, tại cổng Nhà máy xi măng Duyên Hà, sau khi PV xuất trình Thẻ nhà báo và đặt vấn đề làm việc với lãnh đạo công ty, hai phút sau chúng tôi nhận được thông báo Ban giám đốc đi vắng. Khi PV đề nghị bảo vệ cung cấp số điện thoại của văn phòng nhà máy, ngay lập tức nhận được câu trả lời: “Chúng tôi chỉ có số máy nội bộ”. Đây cũng là thông tin cuối cùng mà chúng tôi nhận được từ bảo vệ nhà máy nói với ra vì khi thấy PV, cánh cổng nhà máy đã đóng chặt.
Tìm đến Vicem Tam Điệp, Tổng giám đốc Công ty, ông Nguyễn Sỹ Ngọc thẳng thắn cho biết, lãnh đạo Tổng công ty đã nhận được văn bản của UBND tỉnh và Tổng công ty xi măng VN yêu cầu doanh nghiệp chấp hành đúng quy định tải trọng khi xuất hàng hóa. “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và xin lỗi về việc vẫn để xảy ra tình trạng xe vượt tải ra khỏi nhà máy”, ông Ngọc nói.
Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Ngọc cũng khẳng định: “Ngay sau khi phát hiện thông tin trên Báo Giao thông, bản thân tôi đã triệu tập Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh và Giám đốc xí nghiệp tiêu thụ yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng này từ 14h chiều 30/7. Nếu còn tình trạng viết phiếu xuất kho không đúng tải trọng xe và để xe quá tải ra khỏi nhà máy, cá nhân hai người sẽ chịu trách nhiệm. Đơn vị đã có văn bản gửi cho nhà phân phối nêu rõ nếu nhà phân phối vẫn chở quá tải sẽ chấm dứt hợp đồng”.
Về phía Xí nghiệp tiêu thụ của Vicem Tam Điệp, Giám đốc Phạm Anh Tuấn lý giải sở dĩ để tình trạng trên xảy ra là do áp lực về kế hoạch tiêu thụ. Tuy nhiên, từ 14h chiều 30/7, tất cả các trường hợp vào nhận hàng, xí nghiệp đã yêu cầu nhân viên phải viết phiếu xuất hàng đúng tải trọng: “Chúng tôi cam đoan đây là sơ suất cuối cùng, trường hợp sau 14h ngày 30/7, nếu nhân viên viết sai phiếu, bộ phận cân không kiểm soát đúng tải trọng sẽ bị điều chuyển công việc khác. Đối với nhà phân phối, nếu đưa xe không đúng với tải trọng đăng ký vào chở hàng sẽ dừng cấp hàng”, ông Tuấn hứa.
Để khẳng định sự quyết tâm, người đứng đầu Xí nghiệp tiêu thụ cũng khẳng định sẽ thực hiện đúng tải với cả các xe chở clinke từ nhà máy ra và than vào nhà máy. “Các xe chở than nếu thừa tải trọng quy định của xe, chúng tôi sẽ không nhập hàng”, ông Tuấn nói.
Theo Giao Thông Vận Tải.
|