Việc đào tạo phi công hiện nay không thể thực hiện được bởi rất nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là nguồn kinh phí khổng lồ.
Hạ cánh vì...lông chim: phải coi là bình thường!
Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 16/8, ông Trần Đại Lượng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Học viện hàng không cho biết: "Hiện nay, Học viện vẫn đang đào tạo nhân viên kiểm soát không lưu, theo đúng chuyên ngành tuyển dụng".
Bên cạnh đó, ông Lượng cũng cho hay: "Hiện nay, các hãng hàng không vẫn lấy số lượng học viên về kiểm soát không lưu từ Học viện, đây cũng chỉ là một ví trí trong nhiều vị trí của các hãng bay".
Nhìn nhận khách quan về việc gần đây các phi công thường xuyên không nhận huấn lệnh bay của kiểm soát không lưu, theo ông Lượng đó là chuyện gây uy hiểm đến an toàn bay. Thậm chí nó thể hiện ý thức của từng cá nhân đối với sự an toàn của bao nhiêu hành khác.
Thế nhưng, đối với các sự cố khác như hạ cánh nhầm sân bay, hay sự cố hạ cánh đột xuất vì lông chim.... thì phải coi đó là bình thường (!?).
Ông Lượng nhận định: "Chuyện sự cố đối với hàng không thì cứ đã hoạt động thì đều có một số tai nạn hy hữu xảy ra, quan trọng chúng ta phát hiện ra như thế nào, xử lý ra sao".
Ông Lượng cũng nhấn mạnh rất rõ, các nhân viên kiểm soát không lưu tốt nghiệp từ trường ra đều có nghiệp vụ và nắm vững chuyên môn, tuy chưa nhiều kinh nghiệm thực hành, dù gì họ cũng được đào tạo bài bản.
Không thể đủ lực đào tạo phi công trong nước!
Về việc đào tạo phi công, theo quan điểm của ông Lượng, hiện nay Học viện không thể đào tạo được lực lượng phi công trong nước.
"Vừa qua, Học viện cũng đã đào tạo một khóa hợp tác với một hãng bay của Pháp, đó là khóa học duy nhất, tính cho hiện nay Học viện chưa đào tạo được một phi công nào", ông Lượng chia sẻ.
Theo ông Lượng thì có quá nhiều khó khăn để có thể làm được điều đó, mà khó khăn lớn nhất đó là nguồn đầu tư kinh phí, ai sẽ là nguồn đầu tư ngân sách. Bởi vì, giá đào tạo phi công cũng trên dưới 80.000 USD một người, để làm được thì chắc chắn không đủ tiền.
Trước đó, ông Lê Trọng Sành - nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất bày tỏ quan ngại về hệ thống đào tạo hiện nay: "Trước đây Học viện hàng không chịu trách nhiệm đào tạo nhân viên kiểm soát không lưu, nhưng bây giờ hãng bay tự đào tạo, ông cho rằng đây là việc hết sức sai lầm, vì phi công là 1, kiểm soát không lưu là 2, nếu trình độ kém thì có thể dẫn đến những sai sót phá sản ngành hàng không".
Ông Sành khẳng định: "Kiểm soát không lưu phải bắt buộc đưa về Học viện hàng không để đào tạo, có giáo sư trong nước và ngoài nước giảng dạy, học tập hàng năm rồi ra thực tập, có trường hợp tốt nghiệp ĐH nhưng do có người hối lộ nhận vào làm, không có thực lực, đào tạo cán bộ như vậy thì bao giờ chất lượng dịch vụ mới tốt lên được".
Hơn nữa, trên thực tế, theo ông Sành nhìn nhận, thì chúng ta có thể sẽ có hàng nghìn phi công VN chuyên môn vững, nhưng ngành hàng không không đào tạo, toàn tuyển phi công nước ngoài, trong khi làm sao họ có thể trung thành.
Việc cần làm hiện tại, là cần phải chú trọng đào tạo phi công VN, chọn những người sức khỏe tốt, ngoại ngữ giỏi, nếu đào tạo được thì không cần thuê một phi công nước ngoài nào. Cái tư tưởng "cháy đám nào, chữa đám đấy" của chúng ta hiện nay không ăn thua, đó là phi đào tạo.
Đó cũng là thực trạng được ông Bá chỉ rất rõ: "Đội ngũ phi công thiếu, phải thuê nước ngoài, nhiều phi công của ta mới đào tạo còn thiếu kinh nghiệm".
Trong khi các chuyên gia nói cần phải đào tạo được đội ngũ phi công thì lãnh đạo của Học viện hàng không lại khẳng định không thể làm được việc này.
Mỗi năm, Tổng công ty Hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) phải gửi đi đào tạo từ 60 - 80 phi công ở nước ngoài. Từ năm 2007, chương trình đào tạo phi công cơ bản trong nước đã ra đời với kỳ vọng hóa giải cơn khát nhân lực.
Nhưng gần 7 năm sau, gần 200 học viên dự khóa bay theo lời chiêu mộ của VNA đã bị lạc lối, học hành dang dở. |