Giai đoạn 1 của dự án Long Thành sẽ cần khoảng 164.500 tỉ đồng, tương đương 7,8 tỉ USD.
Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vừa trình báo cáo đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành đã sửa chữa, hoàn thiện lên Bộ GTVT và Hội đồng thẩm định nhà nước.
Theo báo cáo, tổng chi phí đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 164.500 tỉ đồng, tương đương 7,8 tỉ USD.
Bộ GTVT xác định, việc huy động nguồn vốn lớn trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn, nên để giảm bớt nguồn lực đầu tư ban đầu, tăng hiệu quả kinh tế - tài chính cũng như tính khả thi cho dự án, cơ quan này đề xuất chia nhỏ thành hai kỳ đầu tư trong giai đoạn này.
Cụ thể giai đoạn 1a cần khoảng 5,6 tỷ USD để xây dựng 1 đường cất hạ cánh và nhà ga hành khách công suất 17 triệu khách/năm; giải phóng mặt bằng hơn 2.500 ha.
Giai đoạn 1b sau đó mới triển khai đầu tư tiếp đáp ứng nhu cầu 25 triệu hành khách vào năm 2025.
Theo cơ quan này, sẽ có khoảng 48,3% trong tổng nguồn đầu tư của giai đoạn 1a, tương đương 2,7 tỷ USD là dùng tiền của Nhà nước (ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và vay ODA).
Hơn 2,9 tỷ USD còn lại (chiếm 51,7%) là nguồn huy động từ doanh nghiệp, liên doanh liên kết, hợp tác công - tư…) được dùng để xây nhà ga, sân đậu ô tô, khu sửa chữa bảo trì máy bay, hệ thống cấp nhiên liệu và các công trình thương mại.
Liên quan đến mức chuẩn xác của tổng mức đầu tư, báo cáo cho thấy một số suất đầu tư được lập tương đối cao so với mặt bằng hiện tại. GS Lã Ngọc Khuê so sánh, với đơn giá này thì suất đầu tư cho một triệu lượt khách mỗi năm của cảng hàng không này cao gấp đôi sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan. “Vì Long Thành giai đoạn một có 2 đường cất hạ cánh, phục vụ được 25 triệu khách đã mất 7,8 tỷ USD, trong khi cùng số tiền này sân bay Thái Lan đã có công suất 45 triệu khách”, ông Khuê tính toán.
Như vậy, quyết sách về vốn đầu tư sân bay Long Thành gần như đã được quyết. Chỉ cách đó ít ngày, trả lời báo Đất Việt về việc thu xếp vốn cho dự án này ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không mới chỉ cho biết, "việc tính toán nguồn vốn, kinh phí cũng nằm trong đề án. Theo chỉ đạo của chính phủ cũng như Bộ GTVT, đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của nhà nước thì Đồng Nai sẽ chủ trì.
Theo ông Thanh sẽ có mấy nguồn vốn như sau: Thứ nhất, là nguồn ngân sách, nguồn của Tổng công ty cảng hàng không, nguồn vốn ODA, nhưng cái được nhấn mạnh, mà Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo, là phải đẩy mạnh hình thức BOT, TPP trong dự án Long Thành này.
Thứ hai, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Tổng cảng không thể tự xây dựng bằng vốn của mình, ngân sách cũng không đủ nên cần các DN, nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nhà nước.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế cũng đã phản biện thẳng thắn về tính toán, hiệu quả kinh tế của dự án này. Ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright khẳng định: "Dự án Long Thành tính kiểu gì cũng không khả thi về tài chính".
"Cách đang làm hiện nay vừa muốn xây dựng sân bay Long Thành mà vẫn duy trì Tân Sơn Nhất là không tối ưu về kinh tế, xã hội và tài chính. Nếu cứ quyết tâm làm dự án này thì chi phí vận hành sẽ tăng, hiệu quả tài chính suy giảm và gánh nặng trả nợ ODA sẽ tăng lên trong khi dự án không có khả năng hoàn vốn", ông Thành phân tích.
Nhiều chuyên gia hàng không đều cho rằng đến năm 2040 - 2050 mới nên nghĩ đến việc xây dựng sân bay Long Thành. Giai đoạn trước mắt, Bộ GTVT nên khai thác hết tiềm năng của các sân bay TSN, Biên Hòa, Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc.
“Sử dụng số tiền vay quá lớn trong thời điểm này để xây dựng sân bay Long Thành là tạo gánh nặng cho ngân sách” - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống lo ngại.
Theo báo Đất Việt.