Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái Lan đang tăng cường giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng Việt Nam thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm.
Chỉ mất hơn 1 tháng chuẩn bị, Triển lãm trái cây và thực phẩm Thái Lan (từ 12-14 tháng 9 tại TPHCM) đã thu hút được 80 doanh nghiệp Thái Lan tham gia. Theo Ban tổ chức, thông thường để tổ chức một triển lãm thành công thu hút 100 gian hàng trưng bày như vậy phải cần 5-6 tháng chuẩn bị.
Giải thích về việc phải tổ chức gấp rút cho triển lãm lần này, Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại Vinexad cho biết do Triển lãm Giao dịch Thương mại Thái Lan diễn ra tại TPHCM cách đây khoảng 2 tháng đã thành công ngoài mong đợi nên Cục Xúc tiến Thương Mại, Bộ Thương mại Thái Lan – Văn phòng thương vụ Thái tại TPHCM đã đề xuất Vinexad tổ chức tiếp một cuộc triển lãm khác.
Nắm bắt tâm lý người Việt Nam đang tẩy chay hàng Trung Quốc kém chất lượng, trong khi hàng hóa doanh nghiệp trong nước sản xuất còn hạn chế về mẫu mã và kém cạnh tranh về giá bán, các doanh nghiệp Thái Lan đã tăng cường sự hiện diện trên thị trường Việt Nam. Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái Lan chưa thể vươn xa đến thị trường Châu Âu hay Hoa Kỳ đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng cách tham gia nhiều hội chợ, triển lãm hàng Thái Lan dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan.
Theo Vinexad, ngoài 2 cuộc triển lãm tại TPHCM, Vinexad cũng phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại quốc tế (Bộ Thương mại Thái Lan) tổ chức 2 cuộc triển lãm hàng Thái Lan lớn tại Hà Nội với hàng trăm doanh nghiệp Thái tham gia.
Phần lớn doanh nghiệp xứ chùa vàng tham gia triển lãm ở Việt Nam là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ giới thiệu hàng trăm mặt hàng tiêu dùng với các sản phẩm là thực phẩm khô, đồ gia dụng bằng nhựa - kim loại, hóa mỹ phẩm, quần áo thời trang….Hầu hết các mặt hàng ở phân khúc trung bình với giá cả phải chăng và mẫu mã khá bắt mắt nên những ngày diễn ra Hội chợ luôn thu hút được lượng lớn khách tham quan và mua sắm ngay khi mở cửa cho đến khi kết thúc.
Sau những thành công của các kỳ triển lãm, doanh nghiệp, nhà đầu tư Thái Lan đã nhận ra tiềm năng ngày càng to lớn của thị trường Việt Nam.
Nhìn vào chiến lược mở rộng thị trường một cách bài bản ở Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy những bước đi được tính toán kỹ lưỡng của doanh nghiệp Thái. Không chỉ tổ chức hội chợ, triển lãm trong thời gian gần đây các doanh nghiệp Thái còn liên tục tổ chức các hội thảo, xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm sâu rộng đến người tiêu dùng Việt Nam. Qua các hoạt động này, các doanh nghiệp Thái không đặt nặng vấn đề sẽ ký được bao nhiêu hợp đồng, doanh thu bán hàng đạt bao nhiêu mà chủ yếu để khảo sát thị hiếu của người tiêu dùng trong nước.
Song song với việc doanh nghiệp Thái Lan đẩy mạnh vào thị trường Việt Nam, các nhà phân phối và bán lẻ nước này đang ngày càng mở rộng đầu tư ở Việt Nam như Tập đoàn Berli Jucker (BJC), tập đoàn bán lẻ Central Group - chủ hệ thống trung tâm thương mại Robinson, hay CP All - nhà vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Thái Lan 7-Eleven ... giới quan sát đánh giá hàng hóa của doanh nghiệp trong nước sẽ bị cạnh tranh cao, đặc biệt trước vận hội Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ ra đời vào cuối năm 2015.
Sự xâm nhập một cách bài bản của hàng Thái Lan đang đặt các doanh nghiệp Việt trước những thách thức lớn.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online