|
Trong thời gian gần đây, những sự kiện IPO của các DN trong ngành cảng - hàng không hiếm lần rơi vào tình trạng “Kẻ cười - người khóc”. Sasco và Cảng Nha Trang là hai ví dụ điển hình cho tình huống trên dù phân tích ở góc độ tài chính, chưa hẳn đã phân thắng bại.
So với các DN cùng ngành hàng và cùng thuộc VietnamAirlines, Sasco được đánh giá là DN ăn nên làm ra nhất, cũng là DN có vị thế nhất.
Sasco - “Ngọc trong đá”
Không hổ là “con cưng” của ACV, ngày 18/9/2014, đợt IPO của Cty TNHH dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) đã thu về nhiều hơn kì vọng: 31,09 triệu cổ phần được bán sạch với mức giá bình quân 19.330 đồng/CP, cao hơn 93% so với giá khởi điểm 10.000 đồng/CP. HOSE cho biết tổng khối lượng đăng ký đặt mua lên đến trên 145 triệu cổ phần, gấp gần 5 lần lượng đấu giá với giá trúng bình quân cao nhất là 35.000 đồng/cổ phần và giá trúng thấp nhất là 19.200 đồng/cổ phần. Có 12 nhà đầu tư trúng giá trong đó có 1 tổ chức và 12 nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra Sasco cũng đã chính thức 23,6% bán cổ phần cho DN thuộc nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn.
Trước đó, định giá Sasco, CTCP FPTS cho rằng mức giá khoảng 13.300 đồng/ cổ phần là hợp lí. Giá trị hợp lí của Sasco theo đánh giá của CTCK VCBS là 12.735 đồng/ cổ phần. Cả hai CTCK khi định giá đều “nới” mức tăng cổ phần Sasco từ khoảng 33-33% so với giá chào bán ban đầu bằng mệnh giá của DN. Như vậy, kể cả khi đã dự phóng tương lai một cách đầy triển vọng cho cổ phần Sasco thì ngay cả các chuyên viên phân tích tài chính của các CTCK cũng không tưởng tượng được mức “khủng” đầu tư vào Sasco của các nhà đầu tư khi IPO thực tế.
Cảng Nha Trang - Hấp dẫn vẫn... ế
Trên thực tế trong đợt IPO đã diễn ra vào ngày 19/5/2014, cách Sasco gần tròn trịa 5 tháng, Cảng Nha Trang đã ế tới 94% cổ phần trong tổng số 5,5 triệu cổ phần chào bán, thu về chỉ được hơn 3,5 tỷ đồng và mức giá đấu giá bình quân trong phiên chỉ đạt đúng bằng mệnh giá.
Nếu không suy xét kĩ, hẳn nhiều người sẽ cho rằng Cảng Nha Trang cũng cám cảnh chợ chiều y hệt trường hợp cảng Hải Phòng (vẫn khá hơn vì bán được 47% cho nội bộ) hay trùng hợp sau đó là sự ế ẩm thực thụ của cảng Đà Nẵng và cảng Quảng Ninh.
Trong nửa cuối năm 2014, áp lực cung hàng trên thị trường phụ thuộc vào các đợt IPO, niêm yết mới, tăng vốn và thoái vốn đầu tư ngoài ngành | Nhưng không, sự ế ẩm của Cảng Nha Trang như đã nói, có lẽ chỉ vì DN quá... “kiêu”. Một trong sự “kiêu” là Cảng Nha Trang ra điều kiện ứng viên nhà đầu tư chiến lược phải có tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tối thiểu 100 tỷ đồng mỗi loại vào cuối năm 2012; đồng thời đối tác chiến lược phải có lợi nhuận sau thuế dương ba năm liên tiếp (2010, 2011, 2012). Với hai điều kiện này, nhiều ứng viên tổ chức lớn sẽ phẩy tay - “chuyện nhỏ”. Nhưng chuyện lớn là bắt buộc cam kết không chuyển nhượng cổ phần ít nhất 5 năm, là một điều kiện rất cần được cân nhắc. Quan trọng, Cảng Nha Trang rất dè dặt trong mở cửa chào đón ứng viên. Số lượng cổ phần IPO đơn vị này được duyệt để chào bán ra công chúng chỉ 22,7% cổ phần. Sau cổ phần hóa, tỷ lệ Nhà nước nắm giữ sở hữu tại Cảng Nha Trang vẫn là 75%.
Tổng giám đốc một Quỹ đầu tư đánh giá rằng cho dù được xếp hạng là cảng biển loại I, nằm trong vịnh Nha Trang, theo Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển VN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ từng bước chuyển đổi công năng thành bến khách đầu mối du lịch biển, tiếp nhận tàu du lịch quốc tế, nhưng với tỷ lệ chào bán không đủ vể nhà đầu tư can thiệp vào quyền cản lí cảng, thì Cảng Nha Trang vẫn rất khó hút vốn nhà đầu tư.
Củng cố cho nhận định này, khi có diễn tiến mới chuyển quyền sở hữu của Cảng Nha Trang (về tay UBND tỉnh Khánh Hòa), thị trường hiện đã lộ diện nhà đầu tư lớn, Cty TNHH Vinpearl Nha Trang (thuộc CTCP Vinpearl) với đề nghị được mua lại 8,5 triệu cổ phần tại CTCP Cảng Nha Trang thông qua chuyển nhượng trực tiếp chứ không qua đấu giá, tương ứng số tiền bỏ ra là 85 tỷ đồng.
Tại thời điểm hiện nay, với động thái của Vinpearl Nha Trang, cũng đã thấy rõ các nhà đầu tư lớn, đặc biệt những DN có hạng mục đầu tư kinh doanh liên quan đến phát triển hạ tầng vận tải, sẽ không thể bỏ qua những DNNN trong lĩnh vực kinh doanh hạ tầng quan trọng. Một khi các DN này được “cởi áo” tự do ít nhất ở một tỷ lệ chào bán cổ phần rộng rãi, đủ để các nhà đầu tư rót vốn “ra tấm ra món” hoặc có hy vọng tăng lợi thế từ đại diện chủ sở hữu Nhà nước mới, thì những DN như vậy sẽ lập tức nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư.
Chỉ tiếc là nếu điểm hơn 400 DNNN sẽ phải cổ phần hóa tới đây, những cái tên đặc biệt như Sasco, Nha Trang... lại vô cùng hiếm. Cũng vì hiếm, Sasco hay Cảng Nha Trang mới được quý!?
Ế IPO
Cảng biển và hàng không là hai lĩnh vực có vị trí quan trọng trong nền kinh tế đang được định hướng kinh tế biển, mở cửa hội nhập thương mại quốc tế. Hai lĩnh vực này hiện thuộc đầu mục “quản” bởi một Bộ là Giao thông Vận tải và cũng đều có những ông lớn Tổng Cty, kéo theo bên dưới là hàng loạt con và cháu sẽ phải thực hiện cổ phần hóa trong năm nay và 2015.
Với các DNNN ngành cảng biển, “mẹ” lớn nhất của họ là chính Vinalines (Tổng Cty Hàng hải Việt Nam). Dự kiến năm 2014, có 9 DN cảng biển sẽ phải IPO, theo đề án cổ phần hóa của Vinalines. Trong số đó đã có 4 cảng IPO vào nửa đầu năm 2014 và ¾ tạm bị xếp vào dạng IPO thất bại do số cổ phần đăng kí đấu giá đạt chưa quá 1/3. Tuy nhiên, đừng vội nhầm cả 4 cảng này đều bị xếp vào dạng “hàng thứ phẩm” không được nhà đầu tư quan tâm.
Trong khi đó, ở lĩnh vực hàng không, trường hợp IPO Sasco được xem là “thí điểm”. Và thí điểm này đã đạt kì vọng quá cao và có khả năng mở đường cho cơ hội IPO hàng loạt Cty con cháu thuộc ACV cũng như các DN ngành hàng không khác. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, ngoài VietnamAirlines đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, vẫn chưa có nhiều thông tin về kế hoạch cổ phần hóa các con, cháu của ACV. Được biết ACV được Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý đưa vào kế hoạch cổ phần hóa “sớm” trong năm nay, là do Bộ GTVT có nhu cầu thu hút vốn để triển khai dự án sân bay quốc tế Long Thành. Bên cạnh Tổng Cty mẹ quản lí sân bay Tân Sơn Nhất là ACV ra, Bộ cũng đã đồng ý cho phép cổ phần hóa một sân bay khác nhưng chưa nêu đích danh. Đây là một minh chứng cho sự thiếu thông tin về kế hoạch cổ phần hóa của các DNNN có tính “hấp dẫn”.
Cùng với đó, như DĐDN đã phân tích khác nhiều ở các bài viết trước, các DN con cháu các DNNN thường rơi vào tình trạng nếu không “show” được triển vọng kinh doanh và khai thác lợi thế ngành hàng đủ hấp dẫn thì cũng dựng một số rào cản như “chỗ ngon” thì tỷ lệ sở hữu Nhà nước quá nhiều, hoặc mức đấu giá khởi điểm ban đầu không được hợp lí và không đủ lôi kéo, cạnh tranh… đã dẫn đến bức tranh IPO ế ẩm. Nhưng công bằng mà nói thì bên cạnh những “tảng đá nặng” vì guồng máy hoạt động lẫn kết quả hoạt động không mấy khả quan, vẫn có nhiều viên ngọc sáng được săn đuổi và trả giá cao. |
IPO DNNN: Có áp lực lên TTCK
Với khối lượng cổ phần từ DNNN thực thi IPO từ nay đến cuối năm khá lớn, liệu có rủi ro xảy đến vì áp lực tăng cung lên TTCK?
Trong 2 quý đầu năm 2014, so với các thị trường chứng khoán khác trên thế giới, chứng khoán VN là một trong những thị trường có tăng trưởng tốt nhất, thậm chí trong khi nhiều thị trường khác ở các thị trường mới nổi đang có dấu hiệu suy giảm thì chứng khoán VN vẫn đi ngược lại.
Ba biến số tác động đến TTCK
Đặc biệt trong hai tháng gần đây (tháng 7- 8, chứng khoán có mức tăng trưởng tốt). Bốn lí do chúng tôi nhận định có thể hỗ trợ thị trường tăng trưởng tốt vào đầu năm là các chính sách hỗ trợ, động lực từ tái cơ cấu nền kinh tế và đầu tư đón đầu cơ hội TTP, cuối cùng là sức mạnh từ dòng vốn FDI trên thực tế đã vẫn duy trì được lực đẩy đối với thị trường chứng khoán VN.
Tuy nhiên, cùng với các lí do đó, thị trường xuất hiện thêm ba biến số mới tuy nhiên mức tác động lên thị trường chứng khoán không mạnh như so với bốn lí do cơ bản. Một trong những biến số đó là hoạt động cổ phần hóa, IPO của các DNNN.
Trong nửa cuối năm 2014, áp lực cung hàng trên thị trường phụ thuộc vào các đợt IPO, niêm yết mới, tăng vốn và thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Nhìn chung trên toàn thị trường, hoạt động IPO giai đoạn vừa qua không mạnh, chiếm chủ yếu vẫn là IPO các DNN (chiếm 70,23 triệu USD trong 95,7 triệu USD đã huy động được qua IPO của toàn thị trường. Dự kiến quy mô IPO nửa cuối năm sẽ tăng gấp đôi so với đầu năm. Đáng chú ý đến tháng 7 đã có 8 DNNN lớn công bố IPO với tổng vốn lên tới 3.01 nghìn tỷ đồng (140 triệu USD). Xét mức độ quan tâm đối với VN Airlines, Vinatex, khả năng hoạt động IPO DNNN sẽ đạt tới trên 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị IPO của các DNNN khác như MobiFone (chưa có kế hoạch IPO cụ thể so với 2 DN đã nêu).
Rủi ro từ tăng cung ?
Có thể thấy trước mắt, trừ những đợt IPO lớn có thể gây suy giảm lực cầu do dòng tiền đầu tư bị đóng băng (nhà đầu tư đổ vốn vào danh mục này sẽ không còn đổ vốn ở danh mục khác), phần lớn lượng cung hàng trên TTCK không tăng ngay lập tức do từ khi IPO cho đến niêm yết, các DN có thời hạn 1 năm. Nhưng tiền lệ cũng cho thấy trước các đợt IPO có quy mô lớn khoảng 1-3 tháng, VN-Index thường xuyên bị điều chỉnh giảm. Chẳng hạn như trong quá khứ, trước các đợt IPO của các DN như Tập đoàn Bảo Việt, Vietinbank, Vietcombank, GAS, BIDV… VN-Index đều có mức giảm và bật tăng (một phần nhờ lực đẩy từ chính động thái IPO các DN lớn). Như vậy có khả năng vào cuối năm 2014, ngoại trừ những DNNN “đắt giá” nhưng không có lượng cung hàng khủng, thì có thể Vinatex và VN Airlines IPO sẽ trở thành trở ngại cho đà tăng của VN-Index, nhất là khi lực mua cổ phiếu suy giảm trong quý III. Và cũng theo tiền lệ từ năm 2011 cho đến nay, cho thấy khi các đợt IPO kết thúc thì VN-Index sẽ điều chỉnh tăng trở lại.
Bên cạnh hoạt động IPO của các DNNN, tình hình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của khối DN cũng có thể tác động đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên với kế hoạch phải thoái tổng số vốn từ 200-2015 là 21.8 nghìn tỷ đồng như đến cuối tháng 6/2014 mới chỉ thoái được 4.99 nghìn tỷ đồng, có khả năng mục tiêu thoái vốn của giai đoạn không thể đạt được. Và cho dù Chính phủ đang đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành nhưng quy mô cũng khó có thể tăng mạnh vào những thoái cuối năm. Ở một số ngành hàng như nhóm bảo hiểm, ngân hàng, do quy mô vốn tập trung nhiều nên áp lực cung hàng khá lớn. Đây cũng là một trong những yếu tố dự kiến sẽ chi phối dòng tiền trên thị trường chứng khoán nhưng mức độ không cao.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng đang “nhìn” vào tiến độ bán cổ phần của SCIC tại 298 DN, theo kế hoạch bán vốn Nhà nước của năm nay để dự đoán diễn biến Vn-Index. Tuy SCIC đã đẩy nhanh tiến độ bán cổ phần trong nửa cuối năm nhưng khó để đạt được mục tiêu cả năm. Theo quan điểm của chúng tôi, tùy theo mức độ quan tâm của nhà đầu tư về số cổ phần dự kiến bán mà lực mua trên TTCK có suy yếu hay không.
Yun HangJin Giám đốc khối thị trường mới nổi Cty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) |
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.
|