Bất kể căng thẳng ở Biển Đông và các sự kiện liên quan diễn ra hồi trung tuần tháng 5, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm nay.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tính đến hết tháng 8/2014, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc đạt hơn 27 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 16,24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 4 tháng cuối năm, mỗi tháng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 3,23 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2014 sẽ chạm mốc 40 tỉ đô la Mỹ.
Trong 8 tháng 2014, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; vải các loại, hóa chất, sắt thép, phân bón… Mặt hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm thị phần lớn 18,2%, đạt kim ngạch 4,9 tỷ USD, tăng 26,86%; kế đến là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, đạt 3,8 tỷ USD, tăng 4,99%...
Đối với mặt hàng phân bón, trong 8 tháng, Việt Nam đã giảm nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc, giảm 21,47%, tương đương với kim ngạch 388,9 triệu USD, kéo theo nguồn phân bón nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm 47,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Việc giảm lượng và giá trị nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc là do chính sách tăng thuế nhập khẩu phân bón đã phần nào khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2013, trong 8 tháng 2014 Việt Nam đã nhập khẩu một số mặt hàng mới từ thị trường Trung Quốc như than đá, thủy tinh, thức ăn gia súc…
Nhìn chung, 8 tháng 2014, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đều tăng trưởng ở hầu khắp các mặt hàng, số mặt hàng có tốc độ tăng trưởng dương chiếm gần 80%.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc luôn là thị trường dẫn đầu trong nhóm thị trường nhập khẩu của Việt Nam và có xu hướng tăng rõ rệt kể từ năm 2010. Trong vòng 3 năm 2010-2013, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc luôn chiếm khoảng 25%-28% tổng kim ngạch nhập khẩu, cao nhất và cao hơn hẳn các nước và thị trường lớn khác (gấp 2,5 lần Nhật Bản, gấp gần 2 lần Hàn Quốc, cao hơn 20% so với thị trường ASEAN).
Xét về cơ cấu nhập khẩu trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, 60% là hàng hóa trung gian, 20% là máy móc thiết bị và 20% còn lại là hàng tiêu dùng. Các hàng hóa trung gian nhập khẩu không phải chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc, mà còn được sử dụng nhiều trong các doanh nghiệp của Việt Nam.
Trong 3 năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trung bình hàng năm khoảng 800 triệu đô la Mỹ, nhưng nhập khẩu tăng khoảng 3-3,5 tỉ đô la Mỹ/năm.
TOP 10 mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc 8 tháng 2014 – ĐVT: USD
Chủng loại |
KNNK 8T/2014 |
KNNK 8T/2013 |
% so sánh +/- kim ngạch |
Tổng kim ngạch |
27.164.551.156 |
23.368.770.050 |
16,24 |
máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác |
4.963.509.318 |
3.912.438.967 |
26,86 |
điện thoại các loại và linh kiện |
3.800.552.279 |
3.619.886.197 |
4,99 |
vải các loại |
3.008.452.290 |
2.448.073.968 |
22,89 |
máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện |
2.807.717.200 |
2.876.675.735 |
-2,40 |
sắt thép các loại |
2.127.212.108 |
1.634.437.988 |
30,15 |
xăng dầu các loại |
1.029.070.247 |
810.587.589 |
26,95 |
nguyên phụ liệu dệt, may, da giày |
1.014.016.864 |
786.607.967 |
28,91 |
hóa chất |
643.712.459 |
540.465.118 |
19,10 |
sản phẩm từ sắt thép |
588.019.961 |
543.516.371 |
8,19 |
sản phẩm từ chất dẻo |
530.339.736 |
434.869.092 |
21,95 |
Theo Thời báo kinh tế sài gòn online
|