Sức hấp dẫn của cổ phiếu Vietnam Airlines trước ngày IPO nằm ở tiềm năng lớn của thị trường hàng không và chiến lược phát triển của hãng trong tương lai
Chuẩn bị cho hoạt động phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 14-11 tới, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) sẽ có 2 cuộc roadshow trong ngày 30 và 31-10 tại TP HCM và Hà Nội. Thông tin này đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm.
Cú hích cho thị trường chứng khoán
Ban Chỉ đạo cổ phần hóa (CPH) VNA cho biết tại thời điểm vừa được phê duyệt kết quả định giá doanh nghiệp (DN), nhân viên VNA đã hào hứng đăng ký mua cổ phần với mức đăng ký khoảng 400 tỉ đồng. Ngoài cổ phần ưu đãi, nhân viên đăng ký cá nhân mua thêm trên 50.000 cổ phiếu (trị giá trên 1 tỉ đồng). Đáng lưu ý là đã có một số nhà đầu tư cá nhân liên hệ hỏi thông tin để đăng ký mua 2 tỉ đồng tiền cổ phiếu.
Trong khi đó, các công ty chứng khoán cũng đang phân tích, đánh giá cơ hội đầu tư vào VNA theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHBS), nhận định bản chất IPO VNA là bước tiến quan trọng với thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì nhà đầu tư luôn chờ đợi IPO của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhưng từ trước đến nay liên tục bị trì hoãn khiến nhà đầu tư có cảm giác như bị “giấu” hàng. Vì thế, việc IPO của Tập đoàn Dệt may Việt Nam mới đây và IPO của VNA sắp tới sẽ bổ sung hàng hóa có chất lượng, tạo cú hích cho thị trường chứng khoán.
Cơ hội đầu tư
Nếu nhìn vào các chỉ số cơ bản năm 2014, như tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) của VNA là 0,57%, tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là 0,52% thì cổ phiếu VNA không thực sự hấp dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh cổ phiếu niêm yết trên thị trường đang trong giai đoạn thanh khoản tốt, là cơ hội ngắn hạn cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, số lượng cổ phần bán ra cũng không lớn vì nhà nước vẫn nắm giữ 75% vốn.
Tuy nhiên theo giới phân tích, đối với DN lớn về quy mô và có mức độ hoạt động toàn cầu như VNA thì cơ hội đầu tư lại nằm ở những thông tin khác.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, đầu tư dài hạn thì “không có gì phải nghĩ” vì thị trường hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt. Điều này thể hiện qua tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số về sản lượng vận tải, mức độ mua sắm máy bay của các hãng hàng không. Hơn nữa, vận tải hàng không mang tính đặc thù, có nhiều lợi thế so với lĩnh vực khác và VNA là DN hàng đầu trong ngành với những thế mạnh nhất định.
“Cổ phiếu của VNA đắt hay rẻ phụ thuộc vào trình độ quản lý DN sau CPH. DN lành mạnh về tài chính, chất lượng dịch vụ được cải thiện là những vấn đề nhà đầu tư đòi hỏi khi quyết định mua cổ phiếu VNA” - ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), phân tích về mức độ hấp dẫn của cổ phiếu VNA.
Còn theo ông Trần Thanh Hiền, Phó Ban Chỉ đạo CPH VNA, có 3 đặc điểm khiến nhà đầu tư lưu tâm. Đó là lợi nhuận tuy chưa cao nhưng VNA có nhiều cơ hội phát triển và luôn bảo đảm các cân đối khá bền vững ngay cả trong giai đoạn suy thoái kinh tế, nhiều hãng hàng không thế giới lỗ nhưng VNA vẫn có tăng trưởng. Thứ hai là VNA có nhiều công ty con kinh doanh dịch vụ đồng bộ trong dây chuyền vận tải hàng không, từ kỹ thuật, xăng dầu, suất ăn... và các DN này đều có khả năng sinh lời cao. Thứ ba là VNA đang khai thác, vận hành 4 hãng hàng không, cung cấp cả dịch vụ hàng không truyền thống và giá rẻ, có khả năng phủ được tất cả các phân khúc khách hàng khác nhau. Hãng cũng đang thực hiện đổi mới toàn bộ đội bay trong vòng 3 năm tới nhằm củng cố thị trường nội địa và đẩy mạnh khai thác các đường bay xuyên lục địa, trở thành hãng hàng không đứng thứ ba Đông Nam Á.
20% dành cho nhà đầu tư chiến lược
Theo kế hoạch, ngày 14-11 sẽ có hơn 49 triệu cổ phần của VNA được đấu giá trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, tương đương 3,475% vốn điều lệ. Mức giá 10.000 đồng/cổ phần ưu đãi và đấu giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phần, số tiền VNA dự kiến thu về từ CPH là 7.754 tỉ đồng. Sau CPH, vốn điều lệ của VNA là 14.101,8 tỉ đồng. Với tỉ lệ nắm giữ của nhà nước là 75% vốn điều lệ, cơ cấu phát hành cổ phần lần đầu của VNA còn bao gồm bán cho nhà đầu tư chiến lược 20%, phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức Công đoàn.
Theo Người lao động.