Cục Hàng không đã tính toán thêm 2 đường bay thẳng một chiều cho chặng Hà Nội – TP HCM và ngược lại với thời gian ngắn hơn đường hiện tại.
Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về đường bay thẳng Hà Nội – TP HCM sử dụng vùng trời Lào và Campuchia, trong đó kiến nghị cho phép triển khai xây dựng và khai thác đường bay thẳng song song một chiều Nội Bài – Tân Sơn Nhất và Tân Sơn Nhất - Nội Bài.
Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, sự khác biệt cơ bản nhất của đường bay đề xuất so với đường hiện tại là tạo ra một phân cách ngang để tách thành hai đường bay một chiều song song, khép kín. Trong khi đường bay hiện tại là đường hai chiều với phân cách dọc.
“Các đường bay một chiều như vậy sẽ tạo ra sự hợp lý hơn trong phương thức cất hạ cánh ở hai đầu sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất nên rút ngắn được thời gian”, ông Thanh nói.
Chưa tiến hành bay thử nghiệm trên mô hình buồng lái giả định (SIM) song kết quả phân tích được Cục Hàng không thực hiện dựa trên phần mềm của Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho kết quả khả quan với cả hai đường bay này.
Đường hàng không thẳng một chiều Tân Sơn Nhất – Nội Bài (nối điểm đầu từ D6.0/249TSN đến đài DVOR/DME Vĩnh Phúc) so với đường hiện tại (W1) rút ngắn thời gian bay 5 phút trong trường hợp không phải tránh hoạt động bay quân sự tại sân bay Biên Hòa.
Còn nếu phải bay vòng tránh hoạt động quân sự tại Biên Hòa trong giai đoạn khởi hành tại sân bay Tân Sơn Nhất, đường bay mới có tổng thời gian bay bằng đường bay hiện tại.
Trong khi đó, đường bay thẳng một chiều Nội Bài – Tân Sơn Nhất (nối từ điểm D7.0/R107 NOB đến điểm D14.0/R069 TSN) có thời gian bay ngắn hơn 6 phút so với đường bay hiện nay, nếu không phải bay vòng tránh hoạt động của sân bay quân sự Biên Hòa vào giai đoạn hạ cánh tại Tân Sơn Nhất.
Khi có hoạt động quân sự tại sân bay Biên Hòa thì đường bay này vẫn có tổng thời gian rút ngắn hơn một phút so với thời gian bay theo đường W1.
Phương án này nhận được sự ủng hộ của Quân chủng Phòng không không quân và Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng).
Về khoảng cách, theo ông Thanh, do chưa bay thử nghiệm nên chưa nói chính xác con số, dù vậy, cự ly cũng tương đương với đường bay thẳng các hãng vừa thử trong tháng 9.
So sánh với đường bay thẳng vừa được các hãng thử nghiệm mới đây, Cục Hàng không cho rằng thời gian không vênh nhau nhưng đường bay một chiều sẽ thuận lợi hơn cho công tác điều hành cất hạ cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, để hiện thực hóa đường bay nói trên cần tiếp tục thảo luận với Cục Hàng không Lào và Ủy ban Nhà nước về Hàng không dân dụng Campuchia về việc dùng không phận hai nước này. “Các cơ quan của hai nước đều đề nghị làm việc trực tiếp tại Đà Nẵng trong tháng này trước thềm hội nghị Mekong diễn ra 13-15/10” ông Lại Xuân Thanh cho biết.
Đầu tháng trước, trong cuộc họp để nghe lãnh đạo Cục Hàng không báo cáo việc bay thử nghiệm SIM theo đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia do một số chuyên gia đề xuất, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu các đường bay thẳng, trong đó có Hà Nội - TP HCM.
Ông Thăng cũng yêu cầu thành lập tổ công tác trực thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu và xem xét quy hoạch vùng trời, quy hoạch cảng hàng không, để đạt hiệu quả sử dụng. Tổ công tác này sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan hàng không của Lào, Campuchia để thống nhất chủ trương thực hiện đường bay thẳng. Trong tháng 10 phải có kết quả cụ thể của đường bay Bắc - Nam và tiếp tục nắn các đường bay thẳng khác.
Bộ trưởng Thăng cũng nhấn mạnh, việc thực hiện đường bay thẳng không có sự "ăn thua" với cá nhân nào mà đây là trách nhiệm với đất nước, với người dân.
Theo VnExpress