Qua khảo sát thực tế, 44% số người dùng Internet tại Việt Nam chưa bao giờ mua hàng trực tuyến do e ngại những rủi ro có thể xảy ra.
Con số thống kê trên được đưa ra tại hội thảo “Hành vi người mua sắm trực tuyến Việt Nam" do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức ngày 10/11.
Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, cho biết mặt hàng quần áo là sản phẩm mà người tiêu dùng muốn mua trực tuyến nhất, tiếp đó là điện thoại, đồ điện tử và sách. Tuy nhiên, trở ngại lớn đối với bán hàng trực tuyến là thói quen của người tiêu dùng Việt Nam muốn khảo sát trực tiếp sản phẩm, tâm lý e ngại mua hàng trực tuyến có chất lượng không đảm bảo, cũng như không được mặc cả.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thoan, Chủ nhiệm môn Thương mại điện tử - trường Đại học Ngoại thương, cho rằng ngày nay hình thức mua sắm trực tuyến càng trở nên phổ biến do sự bùng nổ Internet và việc sử dụng Internet đã trở thành một hành vi thường nhật của hầu hết mọi người. Mua sắm trực tuyến có ưu điểm là nhanh chóng, thuận tiện, chi phí thấp.
Với gần 40% dân số sử dụng Internet, và đặc biệt trong đó có tới 57% người dùng Internet đã từng tiến hành mua sắm trực tuyến, Việt Nam đang trở thành nước có tiềm năng lớn về thương mại điện tử thu hút sự quan tâm từ doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng hình thức mua sắm này đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính, chất lượng sản phẩm, về bảo mật thông tin từ sự gian lận của người kinh doanh.
Chia sẻ thêm thông tin về Ngày mua sắm trực tuyến sắp diễn ra vào tháng 12 tới, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, chia sẻ chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 689/QĐ-Ttg ngày 11/5/2014. Mục tiêu của Chương trình là xây dựng hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động phổ biến, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia.
Trong quá trình triển khai chương trình, Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử và một số doanh nghiệp chủ chốt xây dựng để triển khai đề án "Ngày mua sắm trực tuyến" nhằm thu hút được doanh nghiệp và các tổ chức tham gia để tạo ra lợi ích cho người mua hàng trực tuyến khi được hưởng nhiều ưu đãi, khuyến mại đồng loạt quy mô lớn tạo đòn bẩy cho trào lưu mua sắm trực tuyến trong xã hội, góp phần mở rộng thị trường thương mại điện tử.