Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, từ năm 2012 đến nay, thông qua chương trình kết nối cung cầu hàng hóa đã có 520 hợp đồng nguyên tắc về cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết, trong đó, 434 hợp đồng đã được triển khai thực hiện và 86 hợp đồng đang trong quá trình thương thảo, tổng trị giá trên 19.000 tỷ đồng.
Thông qua các hợp đồng đã được triển khai thực hiện các DN phân phối của TP.HCM đã tiêu thụ hàng hóa cho các tỉnh, thành trị giá trên 13.000 tỷ đồng và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trên 6.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 3 chợ đầu mối của TP.HCM cũng đã tiếp nhận sản lượng bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, sau 3 năm triển khai, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa rộng. Không chỉ gói gọn trong các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ, chương trình còn thu hút được có sự tham gia của các tỉnh miền Bắc, Trung và Tây Nguyên. Nếu như vào năm 2012, năm đầu triển khai thực hiện chương trình, chỉ có 198 DN của 14 tỉnh, thành phố tham gia với 43 hợp đồng được ký kết, doanh số 249 tỷ đồng thì năm 2013, chương trình kết nối đã thu hút được 347 DN của 23 tỉnh, thành trong cả nước tham gia với 392 hợp đồng được ký kết (tăng 349 hợp đồng so với năm 2012), doanh thu đạt 971 tỷ đồng.
Tại hội nghị cung cầu hàng hóa năm 2014 vừa tổ chức cuối tháng 10 vừa qua đã có 347 hợp đồng nguyên tắc của DN đã được ký kết. Trong đó, DN 13 tỉnh miền Tây thực hiện ký kết 214 hợp đồng, DN 8 tỉnh miền Đông và Tây Nguyên 53 hợp đồng và DN 5 tỉnh miền Trung 33 hợp đồng. Số còn lại thuộc về DN các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Thông qua chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, từ đầu năm đến nay, các DN tại TP.HCM đã tiêu thụ trên 60.000 tấn vải thiều, chiếm 65% sản lượng nội địa của tỉnh Bắc Giang, hỗ trợ kết nối đưa vào tiêu thụ tại hệ thống phân phối của TP.HCM các mặt hàng đặc trưng, đặc sản như củ hành tím (Sóc Trăng), cà chua (Lâm Đồng)…
Tham gia các chương trình kết nối với các DN phân phối tại TP.HCM trong thời gian qua, nhiều DN tại các tỉnh, thành cũng đã tăng được sản lượng cung ứng và trở thành nhà cung cấp chiến lược, thực hiện nhãn hàng riêng cho hệ thống phân phối tại TP.HCM như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi (Đồng Tháp), Hợp tác xã rau Anh Đào (Lâm Đồng)...
Nhiều DN cho biết, trước kia, mặc dù sản phẩm được sản xuất theo hướng an toàn VIETGAP, tuy nhiên vẫn không có được đầu ra ổn định tại thị trường trong nước, bởi sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa tạo được lòng tin vững chắc từ người tiêu dùng. Nhờ tham gia liên kết, kết nối với các thương hiệu lớn tại TP.HCM như Vissan, Satra, Saigon Co.op, Big C… mà các DN đã ổn định được đầu ra, doanh thu vì thế cũng tăng lên.
Theo ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi (tỉnh Đồng Tháp), nhờ tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, sản xuất các sản phẩm theo đơn đặt hàng của SaiGon Co.op mà doanh thu của Công ty đã tăng lên gấp 15 lần so với trước khi liên kết, qua đó, sản phẩm cũng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Sau hơn 2 năm tham gia kí kết mua bán với các DN TP.HCM, doanh thu của hệ thống siêu thị Tứ Sơn (An Giang) cũng tăng mạnh qua các năm. Năm 2012, doanh thu đạt 87 tỉ đồng, năm 2013 doanh thu đạt 146 tỉ đồng, 9 tháng đầu năm đạt 147 tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2014 đạt 190 tỉ đồng.
Đại diện một nhà phân phối lớn của TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, thời gian qua, Saigon Co.op luôn đẩy mạnh hợp tác, đầu tư liên kết với nhiều đơn vị sản xuất nông sản, nhằm tìm kiếm nguồn hàng chất lượng và ổn định. Đến thời điểm hiện nay, Saigon Co.op đã thực hiện ký kết tiêu thụ sản phẩm, hợp tác sản xuất nhãn hàng riêng với 104 nhà cung cấp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, các DN như SATRA, Saigon Co.op còn đưa hàng hóa sang Nga, Singapore, Mianma… Đặc biệt, với chất lượng ổn định và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thông qua các chương trình kết nối, nhiều sản phẩm còn được các DN FDI như Lotte, Metro, BigC chọn làm nguồn cung để đưa sang các nước. Điển hình như trong tháng 11-2014 Lotte đã lựa chọn hàng hóa của 30 DN tham gia bán trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hàn Quốc với tổng giá trị sản phẩm gần 250.000 USD. Đây là con số không lớn tuy nhiên là tín hiệu vui, đồng thời cũng là hướng mới khẳng định chất lượng hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo báo Hải Quan.