Lần lượt nhảy vào thị trường Việt Nam theo hình thức hợp tác với DN trong nước nhưng nhờ tiềm lực tài chính mạnh nên bốn tên tuổi lớn gồm DHL (Đức), TNT (Hà Lan), FedEx và UPS (Mỹ) đã nhanh chóng chiếm lĩnh mảng dịch vụ chuyển phát nhanh tại thị trường Việt Nam. Sau khi không còn các đối thủ nội địa, các DN nước ngoài này chuyển sang giai đoạn chiếm lĩnh thị phần và tính đến phương án tách khỏi mô hình liên doanh để trở thành những DN 100% vốn nước ngoài.
Âm thầm biến đổi
Trong một thời gian ngắn, những tập đoàn nước ngoài DHL, TNT, FedEx và UPS đã định hình được bản đồ thị trường chuyển vận tại Việt Nam.
Mới đây, đại hội cổ đông bất thường của Cty CP Chuyển phát nhanh Tín Thành (TTC Express) cũng đã thông qua phương án chuyển nhượng 70% cổ phần của các cổ đông lớn cho 3 nhà đầu tư gồm: Cty TNHH MTV Dịch vụ Gia Lý, Cty KLN (Singapore) PTE.LTD và Cty CP Kerry Intergrated Logistics (Hồng Kông). Như vậy, sau 13 năm hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, Tín Thành đã có thương hiệu mới là Kerry TTC Express, chính thức trở thành một trong những DN chuyển phát có vốn đầu tư nước ngoài.
Cuối năm 2013, UPS mua lại 49% cổ phần của VNPost Express và trở thành hãng chuyển phát nhanh đầu tiên sở hữu 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, mở đầu cho những kế hoạch tách khỏi các liên doanh hiện hữu của các hãng chuyển phát nhanh khác. Dự báo, nhiều khả năng thời gian tới các hãng chuyển phát nhanh toàn cầu sẽ tính đến phương án tách khỏi liên doanh để trở thành những DN 100% vốn nước ngoài để hoạt động tại VN.
Thương mại điện tử - lợi thế của doanh nghiệp nội
Sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm online, kênh bán hàng trực tuyến đang mở ra cơ hội lớn cho các DN chuyển phát. |
Tuy vậy, DN nội không phải không có “cửa”. Kinh doanh thương mại điện tử đang mở ra những cơ hội "vàng" cho DN chuyển phát. Đón bắt xu hướng này, hàng loạt các DN chuyển phát đã không tiếc tiền "chi" mạnh cho công nghệ để gia tăng sức cạnh tranh. Ông lớn hiện đang nắm thị phần lớn nhất với 37% - VNPost đã không bỏ qua cơ hội đầy tiềm năng này. Tận dụng lợi thế từ mạng lưới rộng khắp, VNPost đã tập trung đầu tư các nguồn lực để phục vụ riêng cho thương mại điện tử (TMĐT) như đào tạo lại đội ngũ 18.000 bưu tá; chuẩn hoá và thiết kế lại dịch vụ; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nhu cầu định vị hành trình và quản lý đơn hàng của TMĐT....
DN đang chiếm đến 15,280% thị phần là DHL-VNPT mới đây cũng đã rót thêm 10 triệu USD để mở rộng thị trường. Khoản đầu tư này giúp cho DHL-VNPT đặt ra kỳ vọng sẽ chuyển hàng nhanh hơn để gia tăng thêm thị phần.
Đứng ở vị trí thứ ba với 10,08% thị phần, có mạng lưới thu phát phủ đến 95% huyện, xã tại 63 tỉnh thành, Viettel Post cũng không thể bỏ qua sức hút từ TMĐT. Được biết, hiện ViettelPost đang đầu tư thử nghiệm 500 máy quét mã vạch không dây (PDA) cho nhân viên và thiết bị quản lý phương tiện vận tải GPS để kiểm soát chất lượng vận chuyển, giúp tiết kiệm khoảng 10% chi phí xăng dầu.
Thị trường chuyển phát hiện nay được chia ra làm ba nhóm chính, gồm các DN chuyên cung cấp dịch vụ bưu chính phát triển thêm mảng chuyển hàng TMĐT như VNPost và ViettelPost có lợi thế về quy mô rộng khắp nhưng với nhược điểm là dịch vụ đại trà, chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát hàng của TMĐT. Nhóm thứ hai là DN chuyên logistics phát triển sang mảng phát hàng TMĐT, điển hình như DHL-VNPT dù có lợi thế đầu tư công nghệ tốt, có kho hàng nhưng nhược điểm là quy mô mạng lưới chỉ đến đầu tỉnh, thiết kế dịch vụ chưa có nhiều… Nhóm thứ ba là DN được thành lập chuyên phục vụ nhu cầu chuyển phát hàng TMĐT, nhóm này có lợi thế là thiết kế dịch vụ tốt, định vị phân khúc rõ ràng và đầu tư công nghệ mạnh, song hạn chế là quy mô mạng lưới lại chủ yếu nằm ở thành thị.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, với sự phát triển mạnh mẽ của mua sắm online, kênh bán hàng trực tuyến đang mở ra cơ hội lớn cho các DN chuyển phát.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.