Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Đôla mạnh gây áp lực lên doanh nghiệp châu Á

1/12/2015 9:57:20 AM

Họ đã vay bằng đôla và nay đang đối mặt với mối đe dọa kép: đồng tiền này mạnh lên và Mỹ rục rịch tăng lãi suất.

Trong những năm trước, khi tăng trưởng kinh tế mạnh và lãi suất thấp, các ngân hàng đã chi ra hàng tỷ USD cho các công ty châu Á vay. Hiện nay, khi sự tăng trưởng tại Trung Quốc - động cơ của Châu Á - suy yếu, gánh nặng các công ty phải đối mặt ngày càng tăng. Kinh tế suy giảm khiến lợi nhuận đi xuống, và thật tệ là họ lại cần thêm nhiều nội tệ để thanh toán lãi suất bằng USD.

Gánh nặng này đặc biệt nghiêm trọng đối với những doanh nghiệp đi vay thuộc khu vực Đông Nam Á, nơi đồng tiền đang mất giá nhiều nhất. Các khoản nợ xấu đang có dấu hiệu tăng lên. Nợ xấu tại 4 ngân hàng lớn nhất Thái Lan đã tăng từ 2,6% các khoản vay cuối năm 2013 lên 2,8% năm ngoái. Ngân hàng trung ương Indonesia cho rằng nợ xấu của nước này cũng đã lên 2,4% năm 2014, từ 1,8% trước đó.

"Đôla Mỹ mạnh lên và lãi suất cao hơn sẽ khiến những người đi vay gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trả nợ bằng USD từ nguồn thu bằng nội tệ khi nợ đáo hạn", Hung Tran – Viện Tài chính quốc tế (IIF) cho biết trên Wall Street Journal.

Tình hình hiện nay gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998: nội tệ sụp đổ, và các ngân hàng chịu nhiều áp lực khi các công ty đã vay USD nhận thấy mình không thể trả được nợ. Nhưng các nhà phân tích không đồng tình với so sánh này, họ cho rằng các ngân hàng trong khu vực hiện nay có nền tảng vốn tốt hơn và Chính phủ các nước có dự trữ ngoại hối đủ mạnh nên nội tệ ít có khả năng mất giá quá nhiều. Họ cũng nhấn mạnh rằng có rất nhiều khoản vay của Trung Quốc thuộc diện ngắn hạn chứ không phải dài hạn.

"Xét đến mức lợi nhuận cao của họ, nguy cơ có vẻ như đang được kiểm soát", ông Tran nhận xét về các ngân hàng đang hoạt động tại châu Á.

Các công ty châu Á đã đẩy mạnh vay bằng đôla Mỹ sau khủng hoảng tài chính 2008, nhằm tận dụng mức lãi suất thấp và lượng tiền mặt tràn vào thị trường toàn cầu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm tiền vào hệ thống tài chính. Các ngân hàng quốc tế cũng cảm thấy hài lòng khi cho vay do họ sẽ có lợi nhuận cao hơn so với thị trường nội địa - nơi lãi suất đã gần bằng 0.

Theo dữ liệu từ Thomson Reuters, thậm chí vào năm 2014, khi việc Mỹ sẵn sàng tăng lãi suất trở nên rõ ràng hơn, khối lượng các khoản vay hợp vốn ở châu Á, trừ Nhật Bản, đã tăng 13% lên kỷ lục 522,9 tỷ USD. Các công ty Trung Quốc chiếm 27% số này.

Cũng trong thời gian đó, tiền tệ của các quốc gia châu Á suy yếu. Trong tháng 12, ngân hàng trung ương Indonesia đã phải tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ đồng rupiah khi đồng tiền này liên tục mất giá so với USD, xuống đáy 17 năm. Ringgit Malaysia tuần này cũng xuống đáy 5 năm so với USD. Kết thúc 2014, Baht của Thái Lan yếu đi và rupee Ấn Độ mất khoảng 2% so với đô la Mỹ trong năm.

Theo các nhà phân tích và những người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, trong khi cả nhà băng và người vay đầu cơ đều phải đối mặt với những biến động ngoại hối, không phải bất kỳ ai cũng đều được bảo vệ đầy đủ. "Mối đe dọa lớn nhất với một khách hàng đi vay là khi có biến động ngoại hối theo hướng bất lợi, bạn nợ bằng đôla Mỹ trong khi lợi nhuận lại bằng nội tệ", Keith Pogson - quản lý dịch vụ tài chính khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Ernst & Young cho biết.

Các khoản vay của công ty Trung Quốc đang gặp nhiều vấn đề, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nợ xấu tại các ngân hàng nước này đã tăng 36% so với năm trước lên 766,9 tỷ NDT (tương đương 123,7 tỷ USD) cuối tháng 9 năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng các khoản vay của các công ty bất động sản và sản xuất thép cũng như các công ty sản xuất khác đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Nếu Trung Quốc cho phép đồng tiền của mình suy yếu để bù đắp tăng trưởng chậm, áp lực lên các công ty đã đi vay bằng USD sẽ càng tăng. Những nhà băng nước ngoài đang phải đối mặt với các nguy cơ về vấn đề tín dụng ở nước này. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), các khoản vay xuyên biên giới của doanh nghiệp Trung Quốc đã tăng gấp đôi lên 1.100 tỷ USD trong thời gian cuối năm 2012 đến tháng 6/2014.

Trong một báo cáo tháng trước, ngân hàng này cũng nhận xét sự tăng trưởng các khoản vay của Trung Quốc  từ các ngân hàng quốc tế là "bất thường" và "bất kỳ tổn thương nào ở Trung Quốc cũng có thể gây tác động mạnh lên các nước khác thông qua các kênh tài chính thuần túy".

Các công ty Trung Quốc có thể vay ở Hong Kong (Trung Quốc) với lãi suất thấp hơn nội địa. Nhưng nếu lãi suất của Mỹ tăng lên, chi phí đi vay ở Hong Kong cũng sẽ tăng theo, do lãi suất ở đây chạy theo Mỹ. Những công ty đó có thể sẽ cảm thấy việc đi vay ở Hồng Kông trở nên kém hấp dẫn hơn và điều này sẽ gây nhiều tổn thương cho các ngân hàng quốc tế hoạt động tại Hong Kong.

"Có rất nhiều cơ hội kiếm lời từ sự chênh lệch trong những năm gần đây. Ví dụ rõ ràng nhất là Trung Quốc", nhà phân tích Macquarie Ismael Pili cho biết, "Rất nhiều doanh nghiệp đại lục đã vay vốn từ các ngân hàng ở Hong Kong và Singapore chỉ đơn giản vì thấy cơ hội chênh lệch lãi suất và tiền tệ ở đó. Nếu lãi suất ở Mỹ tăng cao hơn, sức hấp dẫn của những khu vực cho vay này sẽ giảm đi".

Theo VnExpress

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
XK sang Lào: mục tiêu tăng trưởng 14 - 15% (1/9/2015 10:03:53 AM)
Quảng Ngãi: Thủy sản, một năm bội thu (1/9/2015 10:02:01 AM)
Sản lượng cà phê Colombia tiếp tục phục hồi, năm 2014 tăng 12% (1/9/2015 10:01:11 AM)
Cà phê tiếp tục là “ngôi sao” trong năm 2015? (1/8/2015 9:59:16 AM)
Nhà đầu tư Oman mua cổ phần của Cảng Hải Phòng (1/8/2015 9:09:02 AM)
NQ 01 của Chính phủ: Phát triển mạnh dịch vụ vận tải đa phương thức, logistic, thương mại điện tử (1/7/2015 9:25:00 AM)
Vinalines được bán Cảng Hải Phòng cho nhà đầu tư ngoại (1/7/2015 9:21:56 AM)
Gạch men Việt Nam và cơ hội tại thị trường Đài Loan (1/7/2015 9:18:37 AM)
Chính thức tăng tỉ giá lên 21.458 đồng/USD (1/7/2015 9:11:24 AM)
Thanh toán bằng tiền Trung Quốc ở Việt Nam: Quá nhiều rủi ro! (1/6/2015 9:57:05 AM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com