Chính phủ đồng ý để Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) nhượng lại cổ phần cảng lớn nhất miền Bắc cho nhà đầu tư đến từ Oman.
Cụ thể, Vinalines được phép bán là tối thiểu 19,68% và tối đa 29,58% cho đối tác chiến lược này. Hiện tổng công ty là cổ đông chính tại Cảng Hải Phòng khi nắm giữ 94,68% trong tổng vốn điều lệ gần 3.300 tỷ đồng.
Trong văn bản đề nghị được chuyển nhượng cho đối tác ngoại là Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI), Vinalines đề xuất được chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. “VOI chấp nhận hình thức thỏa thuận trên cơ sở do tư vấn xác định giá nhưng không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của Cảng Hải Phòng trong đợt IPO vừa qua”, Vinalines cho biết.
VOI là một công ty trực thuộc Quỹ dự trữ Quốc gia vương quốc Oman, được thành phố Hà Nội cấp phép hoạt động từ năm 2008 trong lĩnh vực môi giới đầu tư, hỗ trợ quản lý doanh nghiệp.
Trước đó, trong văn bản góp cho chủ trương này, dù đồng ý để Vinalines thoái vốn qua đối tác chiến lược đến từ Trung Đông song Bộ Kế hoạch đầu tư khuyến nghị cần tìm hiểu kỹ năng lực quản trị kinh doanh và kỹ thuật của nhà đầu tư trong việc hỗ trợ phát triển Cảng Hải Phòng khi đây chỉ là một quỹ đầu tư. Cơ quan này cũng cho rằng trước mắt chỉ nên bán cho VOI tỷ lệ tối đa là 19,68%.
Trong khi đó, Vinalines cho biết VOI là đối tác tiềm năng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của doanh nghiệp cũng như của Cảng Hải Phòng. Hai bên đang gấp rút các thủ tục thẩm định để ký thỏa thuận về hợp tác chiến lược. VOI cam kết sẽ hợp tác tối thiểu 10 năm, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực nếu được trở thành nhà đầu tư thông qua thỏa thuận trực tiếp để mua ít nhất 19,68% cổ phần của Vinalines ở Cảng Hải Phòng.
Trong đợt IPO mùa hè vừa qua, Cảng Hải Phòng chỉ bán được hơn 17 triệu cổ phần, tương đương 5,3% vốn điều lệ, đạt 21,27% tổng lượng chào bán. Lần bán sau đó cũng chỉ được 2.000 cổ phần và không tìm được nhà đầu tư chiến lược.
Do đó, Vinalines nhận định, việc tiếp tục đấu giá cổ phần của cảng này sẽ khó đạt hiệu quả. Điều này ảnh hưởng lớn đến nguồn lực tài chính để doanh nghiệp tái cơ cấu đã được Bộ Giao thông phê duyệt. Vì vậy, thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp Vinalines tiến một bước dài trong quá trình thoái vốn tại cảng Hải Phòng.
Đề án tái cơ cấu Vinalines điều chỉnh mới đây cũng cho phép công ty mẹ được thoái vốn tại Công ty CP Cảng Hải Phòng xuống 51% thay vì phải giữ tỷ lệ 75% khi bán cổ phần lần đầu.
Theo Vnexpress