|
Điểm sáng lớn nhất của Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines (VNL) năm 2014 là số lỗ đã giảm đáng kể so với năm 2013. Cùng đó, đơn vị này đang tiến hành xử lý triệt để các mảng hoạt động gây thua lỗ, tiết giảm tối đa chi phí.
Khai thác đội tàu đã có dòng tiền dương
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Tổng giám đốc VNL Lê Anh Sơn cho biết, năm 2014 dù thị trường vận tải biển còn nhiều khó khăn, tài chính các doanh nghiệp của VNL rất eo hẹp nhưng hoạt động khai thác đội tàu của hầu hết các đơn vị đã bắt đầu có dòng tiền dương.
"Từ nay đến hết năm, VNL cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ hoạt động, phân tích rõ vận tải được do đâu, yếu do đâu, các giải pháp đi kèm là gì. Đối với khối cảng, cần làm rõ lỗ của từng liên doanh thế nào, đề xuất cụ thể việc thoái vốn ra sao, tỉ lệ bao nhiêu. Để như hiện nay, chẳng mấy sẽ hết vốn”.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công |
Sở dĩ đạt được kết quả trên, theo ông Sơn, trong năm 2014, VNL đã kiên quyết cho dừng tới 50% hoạt động tạm nhập tái xuất, chuyển sang chỉ làm kho ngoại quan giúp mang lại lợi nhuận tốt hơn. Cùng đó, các tàu già, cũ, kinh doanh thua lỗ được VNL cho dừng chạy và bán dần. Các tàu khác kinh doanh kém hiệu quả được chuyển sang cho thuê hàng hải thay vì tự khai thác, cũng giúp giảm bớt áp lực lãi vay và nợ nhà cung ứng.
Từng đơn vị vận tải đều tìm mọi cách cắt giảm chi phí, đặc biệt là chi phí sửa chữa, nhiên liệu (chiếm tới 40% tổng chi phí khai thác tàu biển). VNL cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp tăng doanh thu như tăng cường quản lý, tìm kiếm mở rộng thị trường. Sản lượng vận tải biển năm 2014 của VNL ước đạt 27,5 triệu tấn, bằng 93% năm 2013, doanh thu bằng 91,7% so với năm 2013. Tuy nhiên, số lỗ từ vận tải đã giảm tới 61% so với năm 2013. Sản lượng hàng thông qua cảng năm 2014 của VNL ước đạt 68,5 triệu tấn, nhỉnh hơn không nhiều so với thực hiện của năm 2013, trong đó sản lượng hàng nội địa thông qua cảng tăng 8,7%.
Cùng với đó, cũng theo lãnh đạo VNL, doanh thu khối cảng chỉ tăng nhẹ so với năm 2013. Tuy nhiên, mức lỗ đã giảm tới 35% so với năm trước.
Bán nhanh tàu già, tập trung cho khối cảng
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật, tái cơ cấu VNL là việc rất khó khăn. Lỗ vẫn còn rất lớn. Làm thế nào xóa hết được số lỗ này, các biện pháp phải thực hiện quyết liệt hơn. Ủng hộ kiến nghị của VNL về việc để lại tiền bán cổ phiếu các doanh nghiệp thoái vốn cho VNL để họ tiếp tục xử lý công nợ, ông Nhật cũng cho rằng, VNL cần tiếp tục bán nhanh những con tàu già, cũ.
“Tuổi tàu trung bình hiện nay của VNL là 17 năm, trong khi mục tiêu đặt ra là 10 tuổi. Do đó, tàu già, cũ, sửa chữa lớn, riêng chi phí trực tiếp đã lớn hơn doanh thu, thì phải bán nhanh đi. Việc này, Bộ GTVT và Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về mặt chủ trương rồi, phải triển khai rốt ráo mới được”, ông Nhật nói.
Liên quan đến việc thoái vốn khỏi bốn liên danh cảng biển, ông Nhật cho rằng, không xử lý kịp thời là mất cả vốn. Cùng đó, ông Nhật cũng đề nghị VNL phải tập trung vào khối cảng biển. Hiện nay khối cảng cả nước tăng trưởng 16 - 18%/năm, trong khi VNL có tới 17/44 cảng cả nước, toàn cảng tốt nhất, mà tăng trưởng không đáng kể do quản trị cảng của VNL yếu. “Vấn đề của khối cảng của VNL quá cồng kềnh, nhân lực quá lớn so với tỉ lệ tại các cảng tư nhân. Do đó cần thiết phải tái cơ cấu lại lao động tại đây để hoạt động hiệu quả hơn”, ông Nhật cho biết.
Khẳng định điểm sáng nhất của VNL là giảm được khoản lỗ lớn so với năm trước, tới 61% ở vận tải và 35% ở cảng biển, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, đây chính là dấu hiệu tích cực cho thấy hướng ra cho VNL đã sáng sủa. Năm 2015, VNL cần đẩy mạnh giải pháp tăng nguồn hàng, tăng lượng hàng qua cảng, cùng với giải quyết các khoản lỗ lớn tại bốn liên doanh và bán nhanh đi các tàu già thì sẽ có lãi.
Theo Giao thông vận tải.
|