Việc liên tiếp rao bán các cảng biển của Vinalines đã làm xuất hiện những đại gia ngàn tỷ. Các ông lớn này đang từng bước thâu tóm những cảng quan trọng.
Vingroup “mua đứt” cảng Nha Trang
Cuối tháng 8/2014, Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý để Công ty Cổ phần Vinpearl - thuộc Tập đoàn Vingroup - mua lại số cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của cảng Nha Trang.
Theo đó, đầu năm 2014, qua thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Cảng Nha Trang được xác định giá trị của cảng trên 245 tỷ đồng. Và khoản tiền này tương ứng với giá trị đầu tư của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho cảng Nha Trang, do đó khi chuyển nhượng lại cho Vinpearl sẽ đáp ứng cho công tác tái cơ cấu Vinalines hiện nay.
|
Vingroup “thâu tóm” Cảng Nha Trang |
Tại thời điểm này, Công ty Cổ phần Vinpearl đang phối hợp với Công ty Cổ phần Cảng Nha Trang xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển cảng Nha Trang theo hướng chuyển công năng từ cảng tổng hợp hàng hóa sang cảng chuyên phục vụ du lịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 4/2014.
Được biết Cảng Nha Trang là cảng biển loại I, cảng nằm trong vịnh Nha Trang kín gió, luồng và độ sâu trước bến không bị bồi lắng, cảng phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Đắc Nông và một phần tỉnh Phú Yên và Lâm Đồng.
Cảng Hải Phòng rơi vào nhà đầu tư ngoại
Đầu năm 2015, Chính phủ đã đồng ý để Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) nhượng lại cổ phần cảng lớn nhất miền Bắc cho nhà đầu tư đến từ Oman.
Cụ thể, Vinalines được phép bán tối thiểu 19,68% và tối đa 29,58% cho đối tác ngoại là Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI). Hiện tổng công ty là cổ đông chính tại Cảng Hải Phòng khi nắm giữ 94,68% trong tổng vốn điều lệ gần 3.300 tỷ đồng. Vinalines đề xuất được chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
Được biết, VOI là một công ty trực thuộc Quỹ dự trữ Quốc gia vương quốc Oman, được thành phố Hà Nội cấp phép hoạt động từ năm 2008 trong lĩnh vực môi giới đầu tư, hỗ trợ quản lý doanh nghiệp.
Trước đó, trong văn bản góp cho chủ trương này, dù đồng ý để Vinalines thoái vốn qua đối tác chiến lược đến từ Trung Đông song Bộ Kế hoạch đầu tư khuyến nghị cần tìm hiểu kỹ năng lực quản trị kinh doanh và kỹ thuật của nhà đầu tư trong việc hỗ trợ phát triển Cảng Hải Phòng khi đây chỉ là một quỹ đầu tư. Cơ quan này cũng cho rằng trước mắt chỉ nên bán cho VOI tỷ lệ tối đa là 19,68%.
|
Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI) muốn nắm giữ Cảng Hải Phòng |
Trong khi đó, Vinalines lại cho rằng VOI là đối tác tiềm năng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của doanh nghiệp cũng như của Cảng Hải Phòng. Hai bên đang gấp rút các thủ tục thẩm định để ký thỏa thuận về hợp tác chiến lược. VOI cam kết sẽ hợp tác tối thiểu 10 năm, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực nếu được trở thành nhà đầu tư thông qua thỏa thuận trực tiếp để mua ít nhất 19,68% cổ phần của Vinalines ở Cảng Hải Phòng.
Đề án tái cơ cấu Vinalines điều chỉnh mới đây cũng cho phép công ty mẹ được thoái vốn tại Công ty CP Cảng Hải Phòng xuống 51% thay vì phải giữ tỷ lệ 75% khi bán cổ phần lần đầu.
Bầu Hiển và tham vọng "thâu tóm" cảng Quảng Ninh
Mới đây nhất, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa chính thức báo cáo Bộ Giao thông vận tải phương án chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu của Vinalines tại Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh. Động thái này diễn ra chỉ một tháng sau khi Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc bán phần vốn hiện có của Nhà nước tại đây cho nhà đầu tư nội.
Và Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển là cái tên đầu tiên bày tỏ tham vọng muốn thay thế Nhà nước nắm giữ toàn bộ cổ phần tại cảng lớn thứ hai miền Bắc. T&T đã bày tỏ quan tâm đặc biệt đến Cảng Quảng Ninh từ gần một năm qua khi đã nhiều lần làm việc với doanh nghiệp cũng như trực tiếp tìm hiểu hoạt động kinh doanh của cảng Quảng Ninh. Quyết tâm này được tái khẳng định hồi tháng trước khi ông chủ T&T và Ngân hàng SHB muốn thay thế Nhà nước làm cổ đông chi phối tại đây dưới hình thức chỉ định, đồng thời cam kết phát triển kinh doanh cảng theo đúng định hướng của cơ quan quản lý.
Việc đang là đối tác duy nhất đến thời điểm này giúp T&T được cho là có nhiều lợi thế để trở thành cổ đông chi phối Cảng Quảng Ninh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, một khi phương án thoái toàn bộ vốn, trong đó có hình thức đấu giá công khai được thông qua thì khả năng công ty của Bầu Hiển có thêm đối thủ là điều rất dễ xảy ra.
Theo đó, Vinalines đề xuất thoái toàn bộ hơn 49 triệu cổ phần, tương đương trên 98% vốn điều lệ mà Nhà nước đang nắm giữ tại đây. Đây là động thái được cho là táo bạo bởi theo phê duyệt trước đó của Chính phủ, Cảng Quảng Ninh cùng 3 cảng khác là Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng là những cảng mà Nhà nước vẫn giữ 51% vốn điều lệ trở lên sau cổ phần hóa.
Vinalines kiến nghị hai kịch bản thoái vốn: Một là đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán; hai là bán thỏa thuận trực tiếp trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua hoặc trường hợp được Thủ tướng cho phép bán thỏa thuận trực tiếp.
Dù với kịch bản nào đi nữa, nếu thoái toàn bộ vốn thì Vinalines dự kiến thu về ít nhất trên 490 tỷ đồng, một nguồn lực đáng kể bổ sung cho công cuộc tái cơ cấu tài chính đang khá chật vật.
Sau đợt IPO tháng 5 năm ngoái, tỷ lệ cổ phần bán công khai của Cảng Quảng Ninh ế nặng và rút cuộc Nhà nước vẫn đang nắm hơn 98% cổ phần. Tuy nhiên, kết quả hoạt động kinh doanh của Cảng vẫn rất khả quan khi tổng sản lượng hàng hóa thông qua đạt khoảng 6,5 triệu tấn, đem về doanh thu 316 tỷ đồng và lợi nhuận 12 tỷ đồng.
Theo báo Đất Việt
|