Vẫn nhập siêu “khủng” với Trung Quốc
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2014 ước tính đạt 43,7 tỷ USD, vẫn tăng 18,2 % so với năm 2013. Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, điện thoại các loại và linh kiện… tiếp tục giữ tỷ trọng lớn trong số các mặt hàng nhập khẩu từ thị trường này.
Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và Dịch vụ (Tổng Cục thống kê) cho biết: Theo ghi nhận của Tống cục thống kê vào tháng 6-2014, kim ngạch xuất nhập khẩu có giảm so với tháng 5. Tuy nhiên, tháng 7, tháng 8 thì kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng. Riêng đối với thị trường Trung Quốc, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng đều. Năm 2013 nhập siêu xấp xỉ 24 tỷ USD, năm 2014 nhập siêu từ thị trường Trung Quốc là 28,8 tỷ USD. Như vậy có thể khẳng định, nhập siêu từ Trung Quốc vẫn khá ổn định.
Theo bà Lê Thị Minh Thủy, trong những năm tiếp theo, nhập khẩu hàng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là đối với ngành gia công, lắp ráp, điện tử, dệt may, giày dép từ Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng rất lớn.
“Đây thực sự là thách thức lớn đối với Việt Nam. Bởi trong nhiều năm qua, Việt Nam đã có định hướng giảm nhập siêu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, để có được nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trong nước thì đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn nên cần có lộ trình” – bà Lê Thị Minh Thủy nhận định.
Cách đây không lâu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có Báo cáo gửi Chính phủ kiến nghị các giải pháp nhằm tăng cường tính chủ động của một số ngành kinh tế trong quan hệ, trong đó có quan hệ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhắc lại sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào đầu tháng 5-2014, báo cáo của VCCI viết: Chưa rõ ý định và các hành động tiếp theo của Trung Quốc như thế nào. Tuy nhiên, sự việc này gây ra các hệ lụy đang hoặc có thể xảy ra trong tương lai trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, và là bước ngoặt thúc đẩy chúng ta phải kiên quyết hơn, triệt để và mạnh mẽ hơn trong các nỗ lực để tăng tự chủ kinh tế của một số ngành kinh tế, trước hết là với thị trường Trung Quốc.
Tuy vậy, VCCI cho rằng: ”Việc Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thương mại của Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ và cũng không đương nhiên gắn với những nguy cơ phụ thuộc”.
Đa dạng hóa đối tác thương mại
Điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu, giảm nhập siêu với Trung Quốc là bài toán đã được đặt ra lâu nay, với không ít chính sách đã được triển khai. Tuy nhiên hiệu quả của các hoạt động này chưa được như mong muốn.
Theo VCCI, một phần là do những nguyên nhân cốt lõi chưa được xử lý rốt ráo, một phần khác do các nỗ lực triển khai chưa thực sự quyết liệt, triệt để. Trong số những giải pháp cấp bách kiến nghị Chính phủ “thực hiện ngay”, VCCI “hiến kế”: Siết chặt hoạt động kiểm soát tại biên giới để ngăn chặn tối đa hiện tượng buôn lậu; Tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu qua biên giới; Triệt để cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu…
Về lâu dài, theo VCCI, cần xem xét lại chính sách xuất nhập khẩu tiểu ngạch nhằm xóa bỏ ngay tình trạng lợi dụng cơ chế tiểu ngạch để trốn thuế và bảo đảm công bằng trong thương mại giữa các thương nhân, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế tiểu ngạch, chỉ còn duy nhất và thống nhất cơ chế xuất nhập khẩu thông thường.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đa phương hóa thương mại, VCCI cho rằng: Thông qua chiến lược đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các đối tác thương mại trong khu vực cũng như trên thế giới, Chính phủ đã và đang thực hiện công việc “mở đường”, tạo điều kiện đa dạng hóa đa phương hóa các đối tác thương mại.
Tuy nhiên, dường như những nỗ lực này chưa mang lại hiệu quả thực tế như mong muốn, doanh nghiệp chưa tận dụng được các lợi ích từ các FTA đã ký, đặc biệt là các ưu đãi thuế quan, và do đó chưa thể đa dạng hóa thị trường cung – cầu của mình (đặc biệt với các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand mà Việt Nam đã có FTA).
Do đó, VCCI nhận định cần tính tới các giải pháp nhằm xử lý các bất cập liên quan tới việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó tăng mức độ tận dụng các lợi ích thuế quan từ các FTA; Đa dạng hóa nguồn cung hợp lý cho doanh nghiệp.
Theo báo Hải Quan.