Lo cá tra tắc đầu ra
Chủ Nhật, 23:15 18/01/2015
Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra không thể sản xuất hàng theo tiêu chuẩn mới vì không biết bán cho ai, còn làm theo tiêu chuẩn cũ thì lo không được xuất hàng đi
Theo các doanh nghiệp (DN), việc lùi thời hạn áp dụng quy định về chuẩn cá tra phi-lê xuất khẩu (mạ băng không quá 10% và hàm lượng nước tối đa 83%) đến hết ngày 31-12 chỉ là kéo dài thời gian “sống trong sợ hãi” chứ không giải quyết được vấn đề.
Giá thành tăng 1,5-2 lần
Bảng tổng hợp ý kiến DN do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thực hiện cho thấy nếu áp dụng chuẩn xuất khẩu mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) quy định trong Nghị định 36 (về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra) sẽ đẩy giá thành sản phẩm tăng cao.
Cụ thể, theo lãnh đạo Công ty Hải Hương, nếu giảm tỉ lệ mạ băng xuống còn 10% và hàm ẩm 83% sẽ làm tăng giá thành phẩm phi-lê từ 1,5-2 lần so với sản phẩm được thị trường chấp nhận hiện nay là 20% mạ băng và 86% hàm ẩm.
Công ty Cadovimex 2 cho biết qua thăm dò khách hàng, họ đều hoan nghênh việc giảm hàm ẩm xuống 83% nhưng lại yêu cầu phải giữ giá bán bằng với hàng có hàm ẩm như hiện tại, do đó DN không thể thực hiện được vì sẽ lỗ.
Các DN cho rằng giữa lúc kinh tế thế giới khó khăn, việc nâng giá bán tương đương với chất lượng là không thể. Thống kê sơ bộ cho thấy thị phần cho cá tra chất lượng cao và chấp nhận giá cao như quy định của Nghị định 36 là rất nhỏ, dưới 10%.
Rất nhiều DN đến đầu năm 2015 chưa tìm được đơn hàng nào theo chuẩn mới. “Thực tế hoạt động của các DN đã bị ảnh hưởng trong nhiều tháng qua do không ký được đơn hàng mới vì nhà nhập khẩu không chấp nhận giá mới, tăng hơn 1 USD/kg, do giá thành tăng lên” - đại diện một DN xuất khẩu cá tra ở Đồng Tháp lo lắng.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, Bộ NN-PTNT có quan niệm không chính xác khi cho rằng cá tra đã có thị trường riêng biệt và Việt Nam độc chiếm thị trường cá tra toàn cầu dẫn đến việc thiết kế Nghị định 36 bị lệch lạc.
“Thực ra, cá tra (một loài cá nuôi, nước ngọt) chỉ là một trong số rất nhiều sản phẩm cá khác trên thị trường cá thịt trắng thế giới. Người tiêu dùng ưa chuộng các loại cá thịt trắng khai thác ở biển như: cá minh thái, cá tuyết, cá pollock Alaska... hơn cá tra. Nhu cầu đối với cá tra tăng cao trong những năm 2002-2008 vì giá rẻ và sản lượng cung ứng lớn, trong khi sản lượng các loài cá biển khai thác bị sụt giảm do những biện pháp quản lý nghiêm ngặt của FAO.
Cũng chính sự quản lý này đã làm gia tăng nguồn lợi tự nhiên khiến sản lượng khai thác cá biển hồi phục. Trong bối cảnh ấy, cá tra mất lợi thế cạnh tranh, chỉ còn ưu thế là một loài cá giá rẻ. Nghị định 36 lại không cho phép cá tra Việt Nam phát huy lợi thế này” - ông Nguyễn Hữu Dũng bức xúc.
Tiêu chuẩn cao hơn cả Mỹ, EU...
Quy định “cứng” về chất lượng cá tra xuất khẩu đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng DN trong ngành. Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang và UBND một số tỉnh ĐBSCL cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét bỏ những quy định trên.
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời mới đây do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám ký có nêu rõ quy định tỉ lệ mạ băng không vượt quá 10% là đủ linh hoạt cho các DN trong chế biến sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh chất lượng tốt để xuất khẩu vì theo hướng dẫn của Ủy ban Thực phẩm quốc tế (CODEX), tỉ lệ mạ băng để đạt mục tiêu bảo vệ sản phẩm là không quá 5%.
Đối với quy định hàm lượng nước tối đa cho phép 83%, ông Tám cho biết sau khi tiếp thu kiến nghị của các DN, bộ đã triển khai đề tài khoa học cấp cơ sở nghiên cứu bổ sung về hàm lượng nước trong cá tra phi-lê đông lạnh, kết thúc trong tháng 12-2014. Theo kết quả nghiên cứu, việc sử dụng phụ gia vừa đủ (tương ứng hàm lượng nước là 83% và tỉ lệ tăng trọng là 15%) là đã đạt được mục đích cải thiện chất lượng cảm quan, chống mất nước sau rã đông.
Vì thế, Bộ NN-PTNT khẳng định quy định tỉ lệ mạ băng tối đa không quá 10% và hàm lượng nước tối đa trong cá tra phi-lê đông lạnh không quá 83% (tương ứng mức tăng trọng là 15%) là có đủ độ tin cậy, cơ sở khoa học và thực tiễn để từng bước nâng cao chất lượng, giá trị và bảo đảm phát triển bền vững sản phẩm cá tra Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học trên đã bị làm sai lệch. Ông cung cấp biên bản ngày 13-12-2014 của hội đồng đánh giá cảm quan sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh trong đó có kết luận khẳng định mẫu cá tăng trọng 25% (chứ không phải 15% như trên) là đạt cảm quan tốt nhất. Đây là hội đồng với 11 thành viên do chính Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT thành lập.
Cũng theo ông Dũng, giải pháp cho những vấn đề đã nêu rất đơn giản: Thay vì quy định “cứng” về chất lượng thì chỉ cần bắt buộc DN ghi nhãn và chịu trách nhiệm đối với 2 thông số nói trên. DN nào làm sai, ghi nhãn một đằng, chất lượng hàng một nẻo thì bị xử lý hành vi gian lận thương mại. “Đành rằng là thương hiệu quốc gia nhưng không lý gì chúng ta lại đặt ra tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ, EU để rồi hàng làm ra không biết bán cho ai” - ông Dũng nói.
Sẽ sửa đổi Nghị định 36?
Theo một nguồn tin của Báo Người Lao Động, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức lấy ý kiến các bên liên quan để báo cáo Chính phủ trong việc sửa đổi Nghị định 36 thay cho Bộ NN-PTNN, là cơ quan quản lý trực tiếp và chủ trì việc soạn thảo nghị định này.
Liên quan vấn đề trên, tại cuộc họp với Văn phòng Chính phủ cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng “cái gì đang vận hành phù hợp thì vẫn phải áp dụng, điều chỉnh rồi khó áp dụng là không được...”.