|
Là mắt xích quan trọng, không thể tháo rời trong mạng lưới logistic của khu vực Đông Nam bộ, tuy nhiên, cảng Trường Thọ lại đang trong tình trạng ùn ứ vì trục đường dẫn vào cảng quá chật hẹp, trong khi dự án di dời cảng này lại chưa khả thi...
Khu vực cảng Trường Thọ (hay cụm cảng cạn Thủ Đức) bao gồm các điểm thông quan nội địa (ICD) như Phước Long 3, Transimex, Phúc Long... và một số nhà máy thép, xi măng.
Hiện nay, với lượng hàng hóa thông qua cảng Trường Thọ đạt trung bình 12 triệu tấn/năm, con đường duy nhất dẫn vào cảng Trường Thọ là trục đường xa lộ Hà Nội vốn đã hẹp lại càng thêm chật chội bởi lượng hàng ra vào cảng tăng quá nhanh nên khi lượng xe dồn về nhiều là xảy ra ùn tắc. Trước tình trạng này Sở GTVT đã lập dự án mở rộng đường vào cảng (đường số 1) song do chưa bố trí được vốn nên dự án chưa thực hiện được.
Song chuyện bố trí vốn mở rộng tuyến đừơng dẫn vào cảng Trường Thọ vẫn chưa ngã ngũ thì đề xuất di dời cảng Trường Thọ của TP HCM vào tháng 11/2014 vừa qua lại gây sự chú ý đặc biệt đối với dư luận. Theo UBND TP HCM, tình hình giao thông ra vào các cảng khu vực phường Trường Thọ ngày càng phức tạp, không đảm bảo an toàn về giao thông đường thủy, thường xuyên dẫn đến nguy cơ rất cao về an toàn giao thông trên trục đường xa lộ Hà Nội. Trong khi đó, từ tháng 5/2012, TP đã khởi công dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên dọc theo tuyến đường khu vực Trường Thọ. Vì vậy, để khắc phục ô nhiễm môi trường và an ninh, trật tự an toàn giao thông trên xa lộ Hà Nội, UBND TP đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét chỉ đạo, cho phép điều chỉnh quy hoạch và có kế hoạch di dời ngay các cảng tại khu vực phường Trường Thọ đến địa điểm khác phù hợp; bảo đảm hoàn thành di dời toàn bộ các cảng trong vòng 2 năm 2015-2016, chuẩn bị tốt mọi điều kiện đưa vào khai thác đồng bộ xa lộ Hà Nội sau khi mở rộng và tuyến đường sắt đô thị số 1.
Đầu tư vốn để mở rộng đường vào Cảng Trường Thọ nhằm hóa giải tình trạng quá tải, kẹt xe, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong khu vực là giải pháp cần làm ngay. | Có thể nói, đề nghị di dời cảng Trường Thọ là cần thiết nhưng với một mắt xích quan trọng như Cảng Trường Thọ, việc di dời không phải là chuyện có thể hoàn tất trong 1-2 năm bởi cần cả một hệ thống cảng hỗ trợ việc này. Theo các chuyên gia, hiện tại các cảng sông trong quy hoạch có thể hỗ trợ việc di dời cảng Trường Thọ là không nhiều, chỉ có cảng Long Bình trên sông Đồng Nai là khả dĩ do có quy hoạch khu làm hàng container, có quy mô thích hợp và có vị trí thuận tiện. Các cảng khác như Phú Định, Thạnh Phước, Nhơn Đức, Bến Súc... bị hạn chế về kích cỡ sà lan tiếp nhận hoặc nằm ở vị trí không phù hợp với việc nhận hàng từ các KCN tại Bình Dương, Đồng Nai.
Mặt khác, việc gấp rút dịch chuyển hàng về các cảng lân cận sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống đường bộ. Lượng hàng về cảng Đồng Nai, Bình Dương sẽ tăng lưu lượng xe tải khu vực lân cận cầu Đồng Nai, vốn là một điểm nóng về giao thông, còn lượng hàng về các ICD sẽ góp phần tăng nguy cơ kẹt đường, do các ICD này đều không có bến sà lan. Như vậy, nếu Trường Thọ được di dời mà không có một hệ thống cảng cạn có công suất tương đương đi vào hoạt động thì quy hoạch này sẽ đứng trước nguy cơ bị vỡ ở một khâu quan trọng, gây sự đình trệ và ảnh hưởng đến cả chuỗi
Theo các chuyên gia, đối với Cảng Trường Thọ, cần có lộ trình di dời với quỹ thời gian phù hợp. Và trong lộ trình đó, việc đầu tư vốn để mở rộng đường vào Cảng Trường Thọ nhằm hóa giải tình trạng quá tải, kẹt xe, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong khu vực là giải pháp cần làm ngay.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.
|