Không có tiền để trả chi phí, không còn chốn neo đậu, TCty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT cho phép bán ụ nổi 83M để thoát “cục nợ” này. Nếu để ụ nổi 83M hoạt động phải đắp vào đây khoảng 50 tỉ đồng.
Theo Phó Tổng Giám đốc Vinalines - Lê Triêu Thanh hiện ụ nổi 83M đang neo đậu tại Cảng Gò Đầu, tỉnh Đồng Nai trong tình rất khó khăn cụ thể đã hết hạn đăng ký tạm thời từ tháng 6.2011; hết hạn bảo hiểm từ năm 2012, đồng thời từ tháng 1.2011đã bị Đăng kiểm rút giấy phép.
Theo Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vianlines (VNLSY), để ụ nổi đủ điều kiện khai thác thì phải tiếp tục sửa chữa với chi phí khoảng 50 tỉ đồng. Do không có tiền trả nợ, cảng Gò Dầu đã cắt điện cho ụ nổi từ đầu năm 2013 dù VNLSY đã cố gắng đàm phán cũng như thuyết phục, đề nghị cảng Gò Dầu cấp lại điện chiếu sáng cho ụ nổi, vì lý do an toàn nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận. Ụ nổi 83M được Vinalines mua với giá 9 triệu USD, sau khi thuê vận chuyển về Việt Nam cùng với kinh phí sửa chữa đã đội lên 20 triệu USD. Mỗi tháng, ụ nổi 83M tiêu tốn khoảng 1 tỉ đồng.
Theo báo cáo, hiện số nợ phải trả của VNLSY, tính đến hết ngày 31.12.2014 là hơn 58 tỉ đồng, trong đó phải trả cho người bán là gần 24 ti đồng; thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là hơn 3,6 tỉ đồng; chi phí cho lao động gần 5 tỉ đồng và chi phí phải trả hơn 16 tỉ đồng...
Trong số nợ phải trả này, khoản nợ lớn nhất là tiền neo đậu và thuê tàu kéo trực sự cố cho ụ nổi 83M của Cty CP hàng hải Đồng Nai. Ngày 31.7.2013, Cty này đã khởi kiện VNLSY tại Tòa án nhân dân huyện Long Thành, Đồng Nai về việc tranh chấp hợp đồng cho thuê tài sản và hợp đồng dịch vụ.
Ngoài việc khẩn trương thanh toán tiền thuê vùng nước neo đậu và tàu kéo trực sự cố cho ụ nổi 83M là 23,7 tỉ đồng, Cty CP Hàng hải Đồng Nai yêu cầu VNLSY di chuyển ụ nổi 83M ra khỏi cảng Gò Dầu để trả mặt bằng cho cảng đầu tư, mở rộng. Cùng đó, ngày 29.10.2014, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị khẩn trương di dời ụ nổi 83M khỏi vùng nước cảng Gò Dầu.
Trong khi đó, VNLSY hiện dường như không có hoạt động SXKD, nhiệm vụ chủ yếu là bảo đảm an toàn cho ụ nổi, chi phí tiền lương cho 16 lao động và chi phí hoạt động của Cty trước ngày 1.1.2015 là 150 triệu đồng/tháng. Đến nay chỉ còn 9 lao động, cắt giảm chi phí tối đa còn 100 triệu đồng/tháng. Được biết, năm 2014 Vinalines đã từng 2 lần kiến nghị được bán ụ nổi, song chưa được chấp nhận, vì theo cơ quan điều tra, ụ nổi 83M là vật chứng của vụ án cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines.
Vì vậy phải được quản lý, bảo quản nguyên vẹn và không bán thanh lý khi chưa có quyết định của cơ quan tư pháp có thẩm quyền. Đại diện Vinalines đưa ra lý do cho rằng, theo các cáo trạng và bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã tuyên của các vụ án tham ô trong quá trình mua và sửa chữa ụ nổi 83M, thì ụ nổi không có trong danh mục vật chứng của vụ án. Vì vậy, Vinalines đề nghị Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị với cấp có thẩm quyền cho phép Vianlines được nhượng bán, thanh lý ụ nổi 83M nhằm thu hồi vốn đầu tư, giảm thiểu chi phí phát sinh do tiếp tục neo đậu và phòng tránh rủi ro tiềm ẩn do ụ nổi gây ra.
Theo Lao động