Những bài học rút ra từ việc hội nhập kinh tế nói chung và hàng nông sản nói riêng.
Thiếu chuyên sâu
Trước hết, tiến trình này nhằm tăng sức hấp dẫn đầu tư trong khu vực và từ khắp thế giới, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa có xuất xứ ASEAN, tiến đến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ ngày cuối của năm 2015 và một khối thị trường thống nhất theo nghĩa như mô hình thương mại của EU.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở trung tâm, ở trái tim xanh của ASEAN, rất có triển vọng phát triển, nếu hạ tầng giao thông, nhất là đường sông và khả năng tiếp cận cảng biển sâu nhanh hơn, có hạ tầng logistics kết nối tốt với biển và với Campuchia để sau này vận chuyển bằng đường sắt thẳng tới Singapore, Thái Lan, phía Nam Myanmar, xuyên Lào và nối được mạng lưới đến thị trường rộng lớn Trung Quốc.
Thách thức chính cũng đang nằm ở cấu trúc kinh tế vùng quá tương đồng với các nước láng giềng, nhưng thiếu sự chuyên sâu, thiếu cả phân công lao động theo chiều sâu, thiếu các giải pháp đồng bộ và khoa học để bảo vệ môi trường nhằm tạo ra các sản phẩm độc đáo, chất lượng, ứng dụng và phát triển một nền công nghệ chế biến sau thu hoạch phù hợp với các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu ĐBSCL.
Đây là thách thức tự thân mà không ai giải quyết thay người Việt Nam được. Công nghệ có thể mua được, nhưng vốn thì sẽ chảy vào chỗ đất lành chim đậu. Nghĩa là với tình hình hiện nay, nếu không có chiến lược xúc tiến thương mại, đầu tư và cả du lịch cho phù hợp, thì tỷ lệ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sẽ vẫn rất thấp (dưới 3%), không thu hút được tiềm năng lớn lao từ các quốc gia và lãnh thổ thiếu đất và dư tiền như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore theo trục Đông-Bắc Tây-Nam.
Một điển hình để nêu bật thách thức là gạo Campuchia đã có chất lượng cao, có giá bán cao, đã có được thị phần gạo ở ĐBSCL cho dù họ chỉ mới có khả năng xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo trong năm qua.
Logistics cảng biển và đường sông ở Campuchia và Thái Lan không bằng ở miền Nam Việt Nam. Hạt gạo Việt Nam, với hàng trăm chủng loại và dễ bị pha tạp, dù năng suất đã tăng rất cao, nhưng giá trị vẫn thuộc loại rất thấp trên thị trường thế giới (chỉ hơn được Pakistan, nhưng cũng đồng nghĩa là khó cạnh tranh xa bờ được, khó vươn tới Trung Đông và Tây Phi theo hướng phát triển thị trường lâu dài và bền vững).
Đến năng suất, cơ cấu nhân lực và hàng hóa
Một thí dụ thứ hai là ngành mía đường. Hiện nay bốn trong 11 nhà máy đường ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ phá sản, vì quy mô nhỏ đến mức không thể cạnh tranh về giá thành, chưa nói đến giống và kỹ thuật canh tác.
Nếu giá thành chúng ta cao gấp đôi giá đường từ Lào và Thái Lan thì số lượng đường cần xuất khẩu là 200.000 tấn trong tổng số 5 triệu tấn giao dịch xuất khẩu của thế giới sẽ bán cho ai? Nếu chế biến thành ethanol mà giá xăng dầu đang giảm mạnh như hiện nay thì xem như lấy trầm làm củi. Năng suất đường cát của chúng ta đang khoảng 5,47 tấn/héc ta, trong khi Úc đạt gần 12 tấn/héc ta. Rõ ràng là kỹ thuật và công nghệ, cũng như quy hoạch tối ưu, thông minh và hướng tới thị trường là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cấu trúc nhân lực trong nông nghiệp cần được xác định là một mục tiêu trung hạn. Một nông dân ở Úc nuôi được 150 người, còn ở Việt Nam thì sao? Và tình trạng 70% dân số “sống” bằng nông nghiệp có phải là một thách thức phát triển hiện đại không?
Tới hôm nay, 97,6% các dòng thuế đã chuyển về 0, thách thức sẽ chuyển mạnh về cơ cấu hàng hóa bạn hàng ASEAN, nơi có 600 triệu dân và đang tham gia khoảng 25% kim ngạch nhập khẩu vào nước ta.
Cần chiến lược mới
Nói đến thách thức thì cũng phải nghĩ đến cơ hội. Việc đầu tư của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Lào và Campuchia trong lĩnh vực nông nghiệp là một thí dụ có thể xem là thành công, nhưng chưa được nhân rộng. AFTA còn chú trọng đến mảng dịch vụ và thương mại nội khối. Nhưng dịch vụ thì chúng ta có gì? Du lịch chẳng hạn, kết hợp với kinh tế nông thôn như thế nào? Và với tình trạng hai phần ba doanh số buôn bán trong khu vực là với Singapore thì bài toán hội nhập rất cần một chiến lược mới, cấu trúc mới, hạ tầng theo kiểu mới, dòng vốn mới và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nói tóm lại, thách thức AFTA đối với nông sản ĐBSCL là những thách thức nội tại đã có từ lâu, và nếu không giải quyết phù hợp bằng một chiến lược và quy hoạch khôn ngoan thì vựa nông sản ở ĐBSCL không đem lại giá trị gia tăng và chỗ đứng xứng đáng trên thị trường, không thể đem lại sự phồn vinh cho người nông dân.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn