Sáng 9/12 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị toàn thể ISG 2014 với sự tham dự của đại diện Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, đại diện các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế.
Với chủ đề “Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản: Cơ hội và thách thức”, Hội nghị thông tin đến cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp về định hướng phát triển, ưu tiên và môi trường đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản của Chính phủ.
Sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và góp phần ổn định chính trị-xã hội.
Hiện Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới trong xuất khẩu hàng hóa nông-lâm-thủy sản… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thì chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam còn thấp; cơ sở hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến còn kém phát triển; quy mô công nghiệp chế biến còn nhỏ, thiết bị lạc hậu là những nguyên nhân làm giá trị nông sản Việt Nam thường thấp hơn từ 15% đến 50% so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác.
Các đại biểu cho rằng, nông nghiệp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, cơ hội để nâng cao giá trị gia tăng thông qua đầu tư phát triển công nghệ chế biến nông sản đặt ra những thách thức và thuận lợi trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm nông sản trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, thực hiện chủ trương “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng” theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, tháng 6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.
Triển khai Đề án, BộNN&PTNT đã ban hành đề án và kế hoạch hành động “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”, cùng các kế hoạch hành động cho các lĩnh vực khác nhau, từ tái cơ cấu đầu tư công, khoa học kỹ thuật… cho đến các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.
Theo Đề án, đến năm 2030, Nhà nước sẽ cùng với các doanh nghiệp đầu tư theo hướng gia tăng các ngành hàng nông-lâm-thủy sản phải tăng bình quân 20%; giảm tổn thất sau thu hoạch 50% so với hiện nay.
Với quan điểm lấy thị trường là xuất phát điểm thúc đẩy, điều chỉnh phân bổ nguồn lực sản xuất trong ngành, Bộ NN&PTNT khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sâu hơn trong các phân khúc có giá trị gia tăng cao như chế biến, thương mại trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần có sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò“động lực” kết nối sản xuất, chế biến với thị trường, Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ thông qua cơ chế chính sách đột phá và môi trường đầu tư lành mạnh, thuận lợi.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Phát triển công nghiệp chế biến cũng đồng nghĩa với khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thúc đẩy công nghiệp chế biến cũng đồng nghĩa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang khẩn trương rà soát các cơ chế chính sách để cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.