Giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 0h ngày 1/1/2014 của Công ty TNHH MTV cảng Sài Gòn để cổ phần hóa là 3.995 tỷ đồng.
Số liệu quan trọng phục vụ cổ phần hóa này vừa được Ban chỉ đạo cổ phần hóa cảng Sài Gòn trình Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines phê duyệt.
Cụ thể, giá trị thực tế của cảng Sài Gòn được xác định là 3.955,2 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 2.162,9 tỷ đồng.
Trong số các tài sản đang dùng của Cảng Sài Gòn trị giá 3.995,2 tỷ đồng có 3.336,7 tỷ đồng tài sản cố định và đầu tư dài hạn; 370,9 tỷ đồng tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn; 0,998 tỷ đồng là giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp; 246,532 tỷ đồng giá trị quyền sử dụng đất.
Được biết, tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, Cảng Sài Gòn đã đối chiếu được 98,21% các khoản công nợ phải thu và 92% các khoản công nợ phải trả.
Chính vì vậy, ngoài việc tiếp tục đối chiếu các khoản công nợ, Cảng Sài Gòn còn phải làm việc với UBND tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu để có văn bản về giá đất đối với 3 khu đất được giao có nộp tiền sử dụng đất tại cảng SSIT, CMIT và 154 Hạ Long, Tp. Vũng Tàu.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông - Vận tải, Cảng Sài Gòn sẽ phải hoàn thành công tác cổ phần hóa trong quý I/2015 với tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ khoảng 75%.
Trước đó, Hội đồng thành viên Vinalines đã thống nhất được tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi mua cổ phần tại cảng Sài Gòn.
Đối tượng được chọn là nhà đầu tư trong và ngoài nước có chức năng kinh doanh và hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng hóa bằng đường biển, đường sông, đường bộ; kinh doanh dịch vụ logistics; quản lý và khai thác cảng biển; tài chính, ngân hàng; có thời gian hoạt động liên tục tối thiểu đến năm 2014 là 5 năm; có số vốn chủ sở hữu tối thiểu là 50 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu là 70 tỷ đồng vào niên độ tài chính năm 2013.
Căn cứ Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ, Cảng Sài Gòn được lựa chọn tối đa 3 nhà đầu tư làm nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Các nhà đầu tư chiến lược được quyền mua cổ phần của Cảng Sài Gòn theo giá do Ban Chỉ đạo cổ phần hóa thỏa thuận với nhà đầu tư (không phải qua đấu giá) hoặc không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Cùng với các nhà đầu tư khác, nhà đầu tư chiến lược được mua số cổ phần từ 20% đến 25% vốn điều lệ của Cảng Sài Gòn.
Theo Vinalines, Cảng Sài Gòn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam làm chủ sở hữu theo Quyết định số 2684/QĐ-BGTVT ngày 30/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải với ngành nghề kinh doanh chính là khai thác cảng biển, xếp dỡ hàng hóa, vận tải, kho bãi, dịch vụ hàng hải, logistics...
Hiện nay, Cảng Sài Gòn đang trực tiếp quản lý, khai thác và đầu tư góp vốn tại các cảng biển trọng điểm khu vực TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu gồm: Cảng Nhà Rồng Khánh Hội, Cảng Tân Thuận, Cảng Tân Thuận 2, Cảng Hành khách tàu biển, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, Cảng Nhà máy Thép Phú Mỹ, Cảng tổng hợp Thị Vải và các cảng nước sâu tại Cái Mép - Thị Vải (SP-PSA, CMIT, SSIT).
Theo báo Đầu tư.