Đang có dấu hiệu tăng trưởng giao nhận vận tải (logistics) của Việt Nam chậm lại, với giá trị gia tăng cũng như hàm lượng công nghệ chưa cao. Hiện tượng này cho thấy, Việt Nam chưa khai thác được lợi thế về hệ thống cảng biển, cảng sông, cũng như hạ tầng giao thông vận tải tương đối hoàn thiện như hiện nay. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận xét trong phát biểu khai mạc diễn đàn logistics Việt Nam lần thứ 2 vào 27-11, tại TP.HCM.
Yếu cả phần cứng, phần mềm
Phát biểu tại diễn đàn, bà Victoria Kwakwa cho biết các chỉ dẫn cho thấy giá trị gia tăng cũng như hàm lượng công nghệ của dịch vụ logistics chưa cao, chủ yếu các tăng trưởng tập trung vào 2 ngành may mặc và dệt may. Theo bà Kwakwa, đã đến lúc Việt Nam cần phải tái cấu trúc cả về phần cứng và phần mềm, nghĩa là: có quy hoạch hạ tầng giao thông theo hướng tiếp cận chiến lược; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp cận vận tải đa phương thức (phần cứng) và các cải thiện về chính sách thu hút đầu tư, hồ sơ, quy trình quản lý rủi ro; cơ chế một cửa và đặc biệt là ngăn chặn tham nhũng chính sách;…(phần mềm).
Nói về thực trạng của ngành này hiện nay, ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, chỉ xét ở chi phí cho dịch vụ logistics trong nước hiện chiếm đến 25% tổng thu nhập GDP quốc gia, trong khi ở các nước trong khu vực cũng chỉ chiếm trung bình từ 10 - 13%. Bên cạnh đó, nhiều DN logistics chưa thực sự tìm được tiếng nói chung với các DN xuất khẩu trong nước, dẫn đến các DN nhập khẩu vẫn phải chịu các loại phí cao, khiến giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.
Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc WB tại Việt Nam chỉ ra hệ quả, nếu logistics không hiệu quả sẽ là nguyên nhân dẫn đến chi phí sản xuất quá cao đối với các DN tầm trung. Theo chuyên gia này, nếu các nước giảm rào cản trong chuỗi cung ứng xuống mức bằng một nửa của quốc gia điển hình (GDP) thì GDP toàn cầu có thể thêm được 4,7% cùng với tăng trưởng kéo theo của thương mại, cũng như nhiều lợi ích khác từ loại bỏ các hàng rào thuế quan nhập khẩu.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay cả nước có 41 cảng biển, trên 40 luồng hàng hải và 10 luồng chuyên dụng được trải đều từ Nam ra Bắc. Bên cạnh đó, đất nước cũng có lợi thế nhờ có 20.000km đường thủy nội địa, với 45 tuyến đường thủy quan trọng. "Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ thống cảng biển trải đều cho thấy tiềm năng hỗ trợ thuận lợi cho thông thương hàng hóa, thế nhưng thực tế lại chưa phát huy được các lợi thế trong thời gian qua”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể thẳng thắn nhận định.
Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, dù đã có đội tàu trên 1.700 tàu với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT, thế nhưng có thể nói trong những năm gần đây do bối cảnh kinh tế suy thoái cũng khiến ngành vận tải biển của nước ta vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục tích cực, giá cước vận tải nhìn chung còn thấp, nguồn hàng khan hiếm, chi phí tăng cao là khó khăn chung của các DN vận tải biển. Cũng theo ông Thu, hiện các cơ quan chuyên ngành đang đề xuất giảm giá dịch vụ bốc dỡ container tối thiểu tại khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, dự kiến trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung dịch vụ này vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá để áp dụng thống nhất trên cả nước. Riêng về phụ phí nước ngoài, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ thống nhất phương án chung với Bộ Công thương và Bộ Tài chính, các hiệp hội ngành hàng để làm rõ thêm về tình hình thu phụ phí đang diễn ra phức tạp và không nhận được sự chấp thuận từ phía các chủ hàng.
Theo nghiên cứu báo cáo về dịch vụ tư vấn hỗ trợ về phát triển đa phương thức, hiện chi phí logistics Việt Nam gồm chi phí vận tải chiếm khoảng 20% và các chi phí chính khác chiếm đến 60%, một phần là chi phí lưu kho/xử lý hàng. Để cải thiện các chi phí dịch vụ còn ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực, hiện nhiều bộ, ban ngành Trung ương đang gấp rút rà soát, nghiên cứu cơ chế, cũng như cải cách thủ tục hành chính để tăng tính kết nối. Ông Ngô Thanh Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho rằng, để tìm lối ra cho dịch vụ logistics hiện nay Bộ Công thương nên là đầu mối hướng dẫn, điều hành hoạt động này cấp quốc gia. Trong khi đó, Chính phủ cần định hướng chọn khâu đột phá trong các hoạt động logistics và chuỗi cung ứng; quyết tâm đơn giản, minh bạch và trong sạch các thủ tục để tạo điều kiện cho một lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển, hội nhập.
Theo Đại đoàn kết.