Phát triển kinh tế TP. HCM
Thành lập từ năm 1989, IPC đã phát triển với mục tiêu ban đầu là doanh nghiệp Nhà nước có vai trò tổ chức quy hoạch, xây dựng hạ tầng và thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư theo một định hướng xuyên suốt là phát triển TP. HCM tiến ra Biển Đông. Đến nay, có thể khẳng định IPC trở thành một trong những DN đầu đàn của TP. HCM và của cả nước trong việc đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị mới hiện đại, khu cảng và kinh doanh vận tải biển.
Các dự án IPC đã và đang triển khai đều có qui mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển TP. HCM về phía Nam tiến ra Biển Đông. Những dự án do Công ty IPC thúc đẩy triển khai tại vùng đất ngập mặt (quận 7 và huyện Nhà Bè) đã phát huy được hiệu quả tích cực, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Chẳng hạn,như: Khu chế xuất Tân Thuận (năm 1991, quy mô 300 ha), Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (năm 1993, quy mô 600 ha), Khu Công nghiệp Hiệp Phước (năm 2007, 2 giai đoạn với quy mô 932 ha), KCN Long Hậu (năm 2006, quy mô 141,85 ha), Cảng Container trung tâm Sài Gòn- PTSC (năm 2006, công suất 1,5 triệu TEU/năm)…
Các dự án này bắt nguồn từ các chương trình nghiên cứu đã mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần vào sự mở rộng không gian và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của TP. HCM, làm thay đổi diện mạo và đời sống dân cư trên vùng đất nghèo khó, hiệu quả kinh tế thấp trở thành khu vực phát triển năng động của thành phố.
Ông Phạm Xuân Bình,Tổng Giám đốc IPC cho biết, không chỉ phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, IPC còn đầu tư những dự án phát triển kinh tế biển TP. HCM. Từ những năm 1993, IPC đã nghiên cứu việc nạo vét tuyến luồng sông Soài Rạp, góp phần hoàn chỉnh các kết cấu hạ tầng không những trên bờ mà còn hạ tầng đường thủy.
Việc đưa tuyến luồng Soài Rạp - 9,5m vào khai thác đã thu hút các tuyến tàu quốc tế tải trọng lớn đến với cảng PTSC. Ngày 17-5-2014, Cảng SPCT đã đón tàu 54.000 tấn. Đây là lần đầu tiên tàu có tải trọng lớn ra vào cảng TP. HCM qua luồng Soài Rạp, đã củng cố thêm mục tiêu chiến lược “Tiến ra Biển Đông" của thành phố.
Công ty IPC đã xây dựng đuợc bộ máy nhân sự tinh gọn và mở rộng theo nhu cầu công việc. Mô hình phát triển của IPC trở thành một hệ thống công ty mẹ - công ty con có được sự vững bền. Đến nay, toàn hệ thống IPC có trên 2.300 cán bộ, nhân viên; 8 công ty trong hệ thống IPC nhiều năm qua luôn hoàn thành kế hoạch hoặc vượt kế hoạch (doanh thu toàn hệ thống IPC là trên 7.000 tỉ đồng)
Hình thành khu kinh tế đặc biệt
Theo chiếc lược phát triển của IPC, về lâu dài, IPC sẽ là đơn vị nòng cốt để hướng tới việc hình thành khu kinh tế đặc biệt của TP. HCM. Theo IPC, cùng với đường vành đai 3 Bến Lức - TP. HCM - Long Thành đi qua 2 sông Soài Rạp và Lòng Tàu đã được Chính phủ triển khai dự kiến hoàn thành vào năm 2018.
Việc thành phố xúc tiến đề án nạo vét luồng Soài Rạp - 12,5m nhằm đưa tàu 70.000 tấn ra vào Cảng Sài Gòn trên vùng hạ lưu Hiệp Phước trong những năm tới, chắc chắn sẽ tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển của vùng đất phía Nam thành phố.
Công ty IPC đã nghiên cứu và đề xuất thành phố các công trình ưu tiên nhằm kết nối hạ tầng đồng bộ về đường bộ và đường thủy đến với khu công nghiệp, khu logistics, khu cảng hạ lưu Sài Gòn và khu đô thị Hiệp Phước còn có thể gọi là Khu đô thị mới Sài Gòn, trên diện tích 3.600 ha đã được phê duyệt quy hoạch hoàn chỉnh.
Đặc biệt, việc phát triển, xây dựng, khai thác khu cảng 384 ha gắn với khu logistics 392 ha đang hướng 3 yêu cầu: Thực hiện tốt chủ trương di dời cảng từ khu vực nội thành ra vùng Hiệp Phước; đảm bảo kiểm soát được tiến trình đầu tư phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế trong từng giai đoạn, tránh lãng phí các nguồn lực xã hội; đảm bảo sự cạnh tranh và thống nhất về giá cả, chất lượng, dịch vụ trong quá trình khai thác, vận hành khu cảng và khu logistics.
Với Khu đô thị Hiệp Phước hay khu đô thị mới Sài Gòn 1354 ha, IPC hướng tới xây dựng khu đô thị ven cảng quốc tế quy mô lớn, gắn với khu công nghiệp tập trung, đa ngành, là khu đô thị hiện đại, đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường sống chất lượng cao.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, IPC tiếp tục nghiên cứu đề xuất hệ thống cơ chế chính sách đủ mạnh để tạo bước đột phá trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại - du lịch và dịch vụ logistics. Đây là cơ hội cải cách nhằm tạo ra một vùng kinh tế đủ hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và thế giới.
Từ năm học 2009 - 2010, IPC đã khởi động chương trình học bổng “IPC - Tiếp sức đến trường” và đã tạo dựng được nguồn quỹ trị giá 2,5 tỷ đồng (tính đến năm học 2013 - 2014). Đối tượng ban đầu là học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, trong đó, trị giá suất học bổng với học sinh cấp III là 2.000.000 đồng/năm; Trung cấp là 1.500.000 đồng/năm; Đại học, Cao đẳng từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng/năm. Ngoài ra, IPC còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, với tổng số tiền ủng hộ trên 7,17 tỷ đồng.
Theo báo Hải Quan