|
Dù vận tải biển chưa phục hồi, cước vận tải thấp, nguồn hàng khan hiếm, nhưng lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn đảm bảo mức tăng trưởng khá ổn định.
Chiếm lĩnh vận tải nội địa, bỏ ngỏ hàng xuất nhập khẩu
Theo Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu, hiện tại đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam gần như đảm nhận được 100% sản lượng vận tải nội địa trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời... “Thời gian qua, do chính sách hạn chế tàu nước ngoài vận tải nội địa đã được phát huy hiệu quả, đồng thời do việc kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ, hàng hóa vận tải bằng đường biển đặc biệt là hàng container nội địa tăng đáng kể (tăng khoảng 12-15% so với cùng kỳ 2013). Đội tàu container mang cờ quốc tịch Việt Nam đưa vào vận tải nội địa cũng tăng từ 19 đến 28 tàu trong vòng hơn một năm, không còn tình trạng tàu neo đậu dài ngày do không có hàng, việc hạn chế tàu nước ngoài vận tải nội địa tạo tiền đề và cơ hội cho đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam phát triển, đặt biệt là đội tàu chuyên dụng” - ông Thu nói.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn hàng vận tải khan hiếm, thị trường vận tải mất cân đối giữa hai chiều Bắc Nam, chiều Hải Phòng - Sài Gòn sản lượng vận tải chỉ đạt khoảng 60% so với chiều Sài Gòn - Hải Phòng, giá cước vận tải vẫn thấp trong khi các chi phí vận tải, đặc biệt chi phí nhiên liệu liên tục tăng cao.
Liên quan đến thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu, ông Thu thừa nhận thị phần của đội tàu trong nước chỉ chiếm khoảng 10-12%, còn lại do đội tàu nước ngoài đảm nhận. Được biết, đội tàu biển Việt Nam hiện nay với khoảng 1.700 tàu, nhưng chỉ có khoảng 400 tàu chạy tuyến quốc tế, đa phần trong số đó chỉ hoạt động trên các tuyến khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc. Một số doanh nghiệp lớn cũng đã có tàu hàng tổng hợp đủ năng lực hoạt động khai thác trên các tuyến đến châu Mỹ, châu Âu, nhưng số lượng còn hạn chế. Tàu container hầu hết mới chỉ hoạt động vận tải feeder trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan mà chưa thể thực hiện các chuyến đi thẳng. Đội tàu dầu sản phẩm chủ yếu vận chuyển xăng dầu nhập khẩu từ Singapore, Malaysia và Trung Đông.
176,1 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng biển
Mặc dù kinh tế hàng hải quốc tế và trong nước có ảnh hưởng rất lớn từ suy thoái kinh tế, song lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn đảm bảo mức tăng trưởng khá ổn định.
“Lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 176,1 triệu tấn, đạt 49,81% so với kế hoạch năm 2014 và tăng 13,86% so với cùng kỳ năm 2013, hàng container đạt 4,77 triệu TEU, tăng 19,46% so với cùng kỳ năm 2013. Kết quả thống kê trong 6 tháng đầu năm cho thấy kế hoạch thông qua hàng hóa của hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2014 hoàn toàn khả thi”- ông Thu khẳng định.
Tuy nhiên, ông Thu cũng cho rằng một số doanh nghiệp cảng, đặc biệt tại khu vực phía Nam, vẫn gặp khó khăn do thiếu hụt về hàng hóa. Do đó, trong thời gian tới cần cải thiện hạ tầng giao thông kết nối và các dịch vụ hỗ trợ để điều tiết hàng hóa trong các cảng biển thuộc nhóm cảng biển số 5.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, lượng hàng container qua khu vực Cái Mép - Thị Vải 6 tháng đầu năm nay khá ấn tượng, đạt 548.000 TEU, so với con số 465.000 TEU cùng kỳ của năm ngoái. “Con số này tuy chưa thể so với công suất thiết kế của khu vực là hơn 6 triệu TEU/năm song cũng là kết quả kỷ lục tại khu vực. Lần đầu tiên, chúng ta hy vọng lượng container qua khu vực Cái Mép - Thị Vải vượt con số 1 triệu container/năm” - Thứ trưởng khẳng định. Còn tại khu vực Hải Phòng, Thứ trưởng cho biết, 6 tháng đầu năm, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 32 triệu tấn, tăng 6 triệu tấn (tương đương gần 20%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tại TP HCM - khu vực vốn được coi là đầu tàu trong lĩnh vực cảng biển, sản lượng hàng hóa thông qua cảng 6 tháng đầu năm đạt 38 triệu tấn, chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Theo giaothongvantai.com.vn
|