Một trong những khó khăn lớn của Việt Nam là cơ sở hạ tầng kết nối cảng với vùng tập trung hàng hóa còn yếu kém.
Giao thương quốc tế từ cảng biển
Theo Bộ Công Thương, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 132,2 tỷ USD (tăng 15,4%), kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 131 tỷ USD (tăng 18,3%). Dự kiến trong năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 154,4 tỷ USD, tăng trưởng 16% so với năm trước. Về cơ bản, năm 2014 sẽ duy trì cán cân thương mại cân bằng, xuất siêu có thể lần đầu vượt mức 1 tỷ USD.
Để có được kết quả này, trong những năm qua, Việt Nam đã dành một phần lớn nguồn ngân sách và vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa và dịch vụ logictics phát triển.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn tại các khu vực cảng là cơ sở hạ tầng kết nối với vùng tập trung hàng hóa còn yếu kém. Nhiều địa phương hầu như còn thiếu trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ cung ứng chuyên nghiệp.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia một cách đồng bộ, hợp lý. Điều này sẽ góp phần tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, kết nối các phương thức giao thông vận tải.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Xã hội hóa việc đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động tối đa mọi nguồn lực, coi trọng nguồn lực trong nước, phát triển kết cấu hạ tầng dựa trên sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững”.
Còn theo số liệu thống kê, tính đến tháng 9/2014, Việt Nam có tổng cộng 44 cảng biển các loại. Trong đó, có 14 cảng biển loại I, 23 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại 3 với gần 220 bến cảng, 44 km cầu cảng và hàng chục khu chuyển tải...
Hệ thống này có thể đáp ứng tối đa, thậm chí dư thừa cho việc vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa qua cảng biển của Việt Nam. Cùng thời điểm này, lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt trên 285 triệu tấn, tăng 19,1% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, giao thương quốc tế phát triển có một phần đóng góp không nhỏ từ hệ thống giao thông vận tải biển.
Thay đổi để phát triển
Một nghiên cứu của tổ chức tư vấn ALG chỉ ra rằng, chi phí vận tải, vận chuyển, lưu kho, logictics chiếm khoảng 20% trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, đối với các DN xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài, chi phí này còn có tác động trực tiếp đến vấn đề mở rộng thị trường, giữ uy tín cho thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu cơ sở hạ tầng, giao thông, cầu cảng yếu kém, thiếu đồng bộ, kết nối không tốt thì không chỉ đội chi phí của DN tăng cao mà hoạt động xuất khẩu cũng có thể bị ngưng trệ, năng suất kém.
Ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, để các hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển phát triển, cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cần nhiều giải pháp đồng bộ như đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển quốc gia phù hợp với quy hoạch, kết nối đồng bộ với hệ thống đường thủy nội địa với quốc tế, đường bộ, đường sắt, đường không...
Đặc biệt, các DN cần tăng cường phối hợp để hoạt động có hiệu quả, nâng cao năng lực bốc xếp, phát triển nguồn nhân lực có trình độ để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Đại diện cho DN trong lĩnh vực vận tải biển, ông Bùi Việt Hoài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nêu lên thực trạng, các DN hoạt động trong lĩnh vực logictics, vận tải biển chỉ mới đáp ứng được ¼ nhu cầu thị trường.
Hiện nay, đang có sự chênh lệch rõ ràng trong kinh doanh giao nhận giữa các DN nước ngoài, liên doanh và các nhà giao nhận trong nước. Mặc dù giá cả dịch vụ tại Việt Nam có thể rẻ hơn nhưng chất lượng không được đảm bảo chắc chắn, cộng thêm nhiều chi phí phát sinh khiến cho ngành vận tải biển trong nước còn gặp nhiều lực cản. Đặc biệt, về hệ thống cảng biển, mặc dù trong nước có rất nhiều cảng song chỉ khoảng 10% có thể tham gia vào vận tải quốc tế.
“Vấn đề phân biệt đối xử trong biểu thuế, biểu phí cảng biển. Thủ tục thông quan còn nhiều khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí. Cộng thêm hạ tầng nhỏ lẻ, bố trí bất hợp lý là những vấn đề còn tồn tại của hệ thống giao thông cảng biển Việt Nam”, ông Hoài thẳng thắn.
Việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó nhấn mạnh phát triển dịch vụ logictics trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng cảng biển, đặc biệt là các cảng quốc gia, phát triển dịch vụ này thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp từ 5 -10% tổng thu nhập quốc gia... là những mục tiêu mà ngành vận tải biển Việt Nam đang hướng đến.
Tuy nhiên, để làm được việc này cần sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành mới có thể biến tiềm năng biển Việt Nam trở thành nguồn lực đóng góp cho nền kinh tế đất nước.
Tính đến hết tháng 6/2014, đội tàu của Việt Nam có khoảng 1.700 tàu, với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT. Trong đó, có 30 tàu container, 172 tàu chuyên dụng chở hàng rời, hơn 940 tàu tổng hợp, 150 tàu chở dầu hóa chất... Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng chung của thế giới, ngành vận tải biển Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, giá cước vận tải thấp, chi phí tăng cao.
Theo báo Xây dựng