|
Việc cổ phần hóa (CPH) các cảng biển đã không đem lại kết quả như mong đợi. Theo Bộ GTVT, việc bán quyền khai thác công trình là bước đột phá để có vốn đầu tư, giảm gánh nặng cho ngân sách; đặc biệt, nếu để tư nhân khai thác sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh cho các cảng biển Việt Nam.
Kết quả cổ phần hóa: Èo uột
Việc CPH các cảng biển do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) triển khai cho những kết quả èo uột. Trong đó, cảng Nha Trang bán được khoảng 10% cổ phần, cảng Quảng Ninh chỉ bán được 7,5% cổ phần, cảng Hải Phòng bán được chưa tới 6%... Một số cảng biển phải chào bán cổ phần đến lần thứ hai, thứ ba mới có khách mua, nhưng số lượng cũng khá hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu khiến các NĐT không mấy mặn mà với cổ phiếu cảng biển là tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài quá ít, trong khi tỷ lệ Nhà nước nắm quá cao (75%) sau CPH. Tại thời điểm này, ngành vận tải biển vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng; các cảng biển khu vực miền Bắc và miền Trung không đón được tàu lớn…
Sau khi được cho phép thoái vốn sâu hơn, Vinalines tiếp tục kế hoạch đẩy mạnh công tác CPH. Theo đó, Nhà nước chỉ cần giữ vốn chi phối tại 7 cảng lớn gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh. Đối với 4 cảng đầu mối trọng yếu là Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn, Nhà nước sẽ chỉ giữ tỷ lệ vốn là 51% thay vì 75% như quyết định trước đó. Với 3 cảng là Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, tỷ lệ vốn nhà nước cũng điều chỉnh xuống còn 49% thay vì 75%. Các cảng còn lại có thể thoái toàn bộ vốn nhà nước.
Ông Nguyễn Nhật - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, việc để tư nhân khai thác cảng biển sẽ hiệu quả hơn và tiến tới xóa bỏ sự độc quyền, tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ cho các cảng biển của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là biện pháp thu hồi vốn đầu tư nhanh nhất để đầu tư cho các dự án khác và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Thoái vốn sâu hơn
Chủ trương thoái vốn nhà nước ở mức sâu hơn đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Theo ông Lê Anh Sơn - Tổng Giám đốc Vinalines, đến thời điểm này đã có nhiều nhà đầu tư (NĐT) tiếp cận, muốn mua cổ phần tại 5 cảng biển lớn mà tổng công ty đang chào bán. Trong đó, có những NĐT đăng ký mua tới 90% cổ phần cảng Đà Nẵng, 100% cổ phần cảng Quảng Ninh, 49% cổ phần cảng Hải Phòng. Thậm chí, một số cảng còn có nhiều NĐT cùng muốn tham gia với giá bán cạnh tranh theo thị trường.
Quan điểm của Bộ GTVT và tổng công ty là đa dạng hóa nhà đầu tư. Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT ngày 24-11, ông Abdusalam Al Murshidi - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Quỹ dự trữ quốc gia Oman cho biết: Ngoài năng lực tài chính dồi dào, quỹ còn có quan hệ mật thiết với nhiều cảng và nhiều hãng tàu lớn trên khắp thế giới, có kinh nghiệm từ thiết kế đến vận hành khai thác cảng biển. Quỹ đề nghị được chuyển giao, kế thừa tất cả phần vốn nhà nước muốn thoái tại cảng Hải Phòng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, trong phương án CPH các cảng lớn, hiện Chính phủ Việt Nam đồng ý mời cổ đông chiến lược, là các cổ đông mạnh về năng lực, kinh nghiệm tham gia. Trước mắt, cổ đông chiến lược tham gia khoảng 20%, do Vinalines tự lựa chọn, đưa ra các tiêu chí, khả năng công ty cổ phần hoạt động tốt, sẽ nghiên cứu việc tiếp tục thoái vốn nhà nước để tăng cổ phần của cổ đông chiến lược lên. Ngoài cụm cảng Hải Phòng, còn có cảng nước sâu Cái Lân (Quảng Ninh) vừa đầu tư xong và cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đang triển khai. Đây đều là các dự án mà Quỹ dự trữ quốc gia Oman và các NĐT có thể tham gia đầu tư.
Theo Hà Nội mới
|