Nếu doanh nghiệp Việt cứ dựa trên nhân công giá rẻ, đến một thời điểm không xa sẽ không thể cạnh tranh được nữa.
Nguyễn Trần Như Hoa – Giám đốc Marketing tập đoàn UPS Việt Nam tại hội thảo về xúc tiến xuất khẩu sáng nay (16/4) cho biết, hiện một trong số các khách hàng của UPS tại Việt Nam là một Tập đoàn giày da nổi tiếng trên thế giới và sản xuất cho tập đoàn này tại Việt Nam có tới 65 nhà máy. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 1 nhà máy là của người Việt Nam, còn lại là các nhà máy do người Trung Quốc và Đài Loan đầu tư và làm chủ.
Các doanh nghiệp có lợi thế là người bản địa, nhân công cần cù và lao động giá rẻ vậy tại sao hãng giày kia không chọn các nhà máy của người Việt? Theo giải thích của bà Hoa, lý do khiến các doanh nghiệp Việt Nam thua cuộc ngay trên sân nhà không phải ở khâu sản xuất mà lại nằm ở môt dịch vụ kho bãi, vận chuyển.
Bà Hoa cho biết, trong số 5 tiêu chí để trở thành nhà máy sản xuất của hãng giày kia lại không hề có yếu tố nhân công giá rẻ mà lại có hai tiêu chí quan trọng là về logistics (dịch vụ kho vận) và dịch vụ khách hàng (được đo lường trên cơ sở sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm). Đây cũng là hai tiêu chí mà các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu hay nói cách khác là chưa thể đáp ứng được. Điều này dẫn tới hệ lụy là các doanh nghiệp Việt chưa thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Trước làn sóng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc để chuyển sang các nước khác, trong đó Việt Nam là lựa chọn thứ hai, bà Hoa cho rằng đây là một điều hoàn toàn đáng mừng tuy nhiên, các nước như Campuchia, Myanmar, Ấn Độ cũng đang là môi trường thu hút đầu tư rất lớn. Do đó, nếu Việt Nam cứ đứng ở vị trí hiện nay thì sẽ bị vượt tụt lại phía sau.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam cứ dựa trên nhân công giá rẻ thì đến một thời điểm không xa sẽ không thể cạnh tranh được nữa, bà Hoa nói.
Trở lại với trường hợp của nhà máy giày ở trên cũng như mở rộng ra đối với các doanh nghiệp da giày, dệt may và các ngành khác nói chung, bà Hoa cho rằng hiện dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Việt rất yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa do không có đủ tiềm lực để đầu tư. Hay có những doanh nghiệp chỉ chú trọng tới sản xuất mà quên đi logistics và lựa chọn những hình thức vận chuyển hàng hóa không phù hợp khiến các hợp đồng đợc giao tới cho khách hàng không đúng hẹn dẫn tới uy tín bị giảm sút.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cũng đồng tình rằng, doanh nghiệp nên đầu tư chi phí cho logistics cao hơn nhưng sẽ thu được nhiều lợi ích hơn. “Các doanh nghiệp nên đặt câu chuyện hiệu quả lên trên”, ông Sơn nói.
Theo báo Giao thông.