CTCP Cảng Hải Phòng cho biết đơn vị này đã gửi hồ sơ lên HNX xin niêm yết chứng khoán trên sàn giao dịch UPCOM theo đúng quy định đề ra đối với DNNN sau khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cách đây hơn một năm.
Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 3.269 tỉ đồng, tương ứng với hơn 326 triệu cổ phần. Xét về quy mô doanh nghiệp thì đây là công ty có vốn điều lệ lớn nhất so với các doanh nghiệp làm cảng niêm yết trên HNX và HOSE. Tuy nhiên, hiện Nhà nước vẫn nắm giữ 95% số cổ phần tại đây do IPO bị ế và nơi này cũng không có nhà đầu tư chiến lược.
Sau IPO, đã có thời điểm Bộ Giao thông-Vận tải và Vinalines - công ty mẹ của Cảng Hải Phòng - định chuyển nợ của Vinalines thành vốn góp của các ngân hàng tại cảng này, song đến nay cũng không thực hiện được vì Cảng Hải Phòng không phải là con nợ của các ngân hàng và các quy định hiện hành cũng chưa có hướng dẫn chuyển nợ thành vốn góp.
Tuy nhiên, cái tên Cảng Hải Phòng trở nên đắt giá từ cuối năm ngoái khi CTCP Đầu tư Việt Nam-Oman (gọi tắt là Quỹ VOI) đề nghị Bộ GTVT và Vinalines bán cho họ tối đa số cổ phần tại đây.
Chính phủ đã có văn bản đồng ý bán cho VOI từ 19,68% đến 29,68% số cổ phần. Tuy nhiên, sau đó, Tập đoàn Vingroup đã đề nghị mua tối đa 80% số cổ phần tại cảng này. Bộ GTVT cũng đã chuyển đề nghị của Vingroup lên Thủ tướng với đề xuất bán trọn lô cho nhà đầu tư nội có tiềm lực, và đang chờ quyết định.
Với quyết định niêm yết trên sàn UPCOM, các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư ngoại, hoàn toàn có quyền mua thỏa thuận hoặc khớp lệnh theo đúng quy định, nhất là sau khi room cho nhà đầu tư ngoại đã không còn bị khống chế dưới 49% như trước.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.