Các loại phụ phí, chi phí không chính thức đang làm khổ doanh nghiệp vận tải thủy, đồng thời khiến tổng giá thành vận tải tăng cao phi lý…
Phụ phí chiếm 15-20% giá thành
Nói về các loại phụ phí phi lý này, ông Đỗ Tuấn Liêm, Chủ tịch HTX Rạch Gầm (Tiền Giang) cho biết, hiện mức giá vận tải bằng đường thủy ở phía Nam đang ở mức 80 nghìn - 100 nghìn đồng/tấn/100km. Mức giá trên tuy rẻ 1/3 so với đường bộ nhưng ông Liêm cho rằng, có thể rẻ thêm nữa nếu giảm bớt được các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp vẫn phải đưa vào cấu thành của giá cước vận tải.
“Mỗi chuyến hàng, chi phí không chính thức, không có chứng từ mà doanh nghiệp vận tải phải bỏ ra chiếm 15-20% giá thành vận tải. Có thể kể đến các khoản như: Chi “bồi dưỡng” bốc dỡ hàng ở hai đầu bến, tiêu cực phí dọc đường, tiền “lại quả” hợp đồng”, ông Liêm nói và cho rằng, khó giải quyết nhất là vấn đề công nhân bốc xếp. Dù cảng bến đều biết, nhưng vì công nhân chỉ nhận làm khoán theo khối lượng nên nếu không có bồi dưỡng họ sẽ không làm hoặc làm với tiến độ chậm.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác chưa thật sự hợp lý khiến gia tăng chi phí phí, lệ phí cảng, bến; tốn nhiều thời gian làm thủ tục ra vào cảng, nhiều chỗ cảng bến không kết nối thuận tiện với đường bộ. “Việc siết chặt tải trọng đường bộ giúp tạo cạnh tranh lành mạnh, cân bằng vận tải, nhưng không phải cảng bến nào cũng thuận tiện, khiến cho thời gian vận chuyển hàng hóa chậm, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”, ông Liêm cho biết thêm.
Cùng với khảo sát thực trạng vận tải trên toàn quốc, đến cuối năm 2015, Cục Đường thủy nội địa VN sẽ hoàn thành điện tử hóa toàn bộ 31 thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, đơn vị này cũng tăng cường kiểm kiểm tra, kiểm soát tại 4 cảng vụ đường thủy để nâng cao tính minh bạch hóa trong lĩnh vực thu phí, lệ phí. |
Cũng theo ông Liêm, bên cạnh việc giải quyết các yếu tố chi phí không chính thức gây đội giá thành vận tải, cần quy hoạch vận tải bằng container và xây dựng các cảng, cụm cảng của vùng để tạo kết nối tốt nhất với đường bộ, tăng tính chuyên nghiệp hóa của vận tải thủy.
Ông Trần Đức Lanh, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hà, chuyên vận tải đường thủy từ Quảng Ninh, Hải Phòng vào miền Trung cho biết, giá vận tải mỗi tấn hàng từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện khoảng 270.000 đồng/tấn, đến Nha Trang khoảng 320.000 đồng/tấn. Trong đó, các chi phí không chính thức chiếm từ 15% trở lên trong giá thành vận tải.
Tương tự như ở phía Nam, vấn đề chậm trễ trong bốc xếp cũng gây ra cản trở đối với vận tải bằng đường thủy. “Có những chuyến hàng, tàu được lấy hàng, bốc trả hàng ngay. Thế nhưng cũng có những chuyến mất cả chục ngày mới đến lượt, gây tốn kém chi phí cho cả doanh nghiệp vận tải và chủ hàng, làm giảm sức hấp dẫn của vận tải thủy”, ông Lanh nói và chia sẻ thêm, trong vận tải thủy khi đầu tư tàu sức chở lớn sẽ có năng suất cao hơn, tạo giá thành thấp hơn, nhưng bất hợp lý là chưa có nhiều cảng đáp ứng được tàu trọng tải lớn.
Đánh giá lại 45 tuyến vận tải thủy quốc gia
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Đường thủy giai đoạn 2015 - 2020 là đưa vận tải thủy phát triển để tạo sự cạnh tranh với đường bộ, đường sắt. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thiếu các dữ liệu về vận tải để đưa ra các giải pháp điều tiết, quản lý.
“Các doanh nghiệp thường nói vận tải bằng đường thủy rẻ hơn 30-40% so với đường bộ nhưng tổng giá thành từ điểm đầu và điểm cuối cùng của hàng hóa lại đắt hơn. Cục đã chỉ đạo bộ phận chức năng chậm nhất đến cuối năm nay phải hoàn thành việc khảo sát, đánh giá cơ cấu giá thực tế của 45 tuyến vận thủy quốc gia hiện có xem những yếu tố gây đội giá xảy ra ở khâu nào để có giải pháp tháo gỡ”, ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, Cục đang nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với phương tiện ra vào cảng, bến để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Trong tháng 7, Cục sẽ thí điểm cấp phép ra vào cảng, bến thủy nội địa thông qua hình thức tin nhắn tại khu vực Hải Phòng và rút gọn thủ tục cấp phép đối với tàu khách du lịch.
Còn theo ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Pháp chế, vận tải và ATGT, Cục ĐTNĐ VN (đơn vị được giao chủ trì khảo sát), các cơ quan chức năng đang xây dựng kế hoạch thực hiện việc khảo sát, đánh giá thực tế vận tải của toàn bộ các tuyến vận tải thủy quốc gia. Trên cơ sở đó sẽ có đề xuất giải pháp quản lý hợp lý về giá, góp phần nâng năng lực cạnh tranh của vận tải thủy.
“Phải qua khảo sát, điều tra thực tế mới đánh giá được các yếu tố liên quan đến chi phí không chính thức, bất hợp lý trong vận tải đường thủy”, ông Thắng khẳng định.
Theo báo Giao thông.
|