|
Nhân dân tệ mất giá có lợi cho các nước nhập siêu từ Trung Quốc, nhưng lại bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của EU, Mỹ hay Nhật Bản.
Trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm nay 11/8 chính thức hạ tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ thêm 1,9%, mức phá giá mạnh nhất từ trước đến nay.
Cú sốc với tiền tệ châu Á
Động thái này của Trung Quốc được coi là khá bất ngờ với giới kinh doanh toàn cầu.
“Rõ ràng đây là cú sốc đối với các nước khác ở châu Á. Nếu nhìn vào các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Đức, đây sẽ là thách thức với lĩnh vực xuất khẩu của họ. Điều này cũng không có lợi cho tiền tệ châu Á”, Callum Henderson, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Standard Chartered nhận định.
Thực tế, ngay sau tuyên bố của PBOC, các đồng tiền châu Á đồng loạt chạm đáy nhiều năm. Trong đó, baht Thái Lan xuống thấp nhất 6 năm, đô la Singapore thấp nhất 5 năm. Đồng peso của Philippines cũng xuống thấp nhất 5 năm trong khi rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
“Các đồng tiền châu Á vốn chịu sức ép từ triển vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất. Đến nay, nhân dân tệ yếu đi sẽ tạo thêm sức ép. Chúng tôi cho rằng đô la Singapore, won Hàn Quốc và Đài tệ sẽ là những đồng tiền chịu rủi ro lớn nhất khi nhân dân tệ mất giá”, Barclays nhận định.
Xuất khẩu của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản thiệt hại nhiều nhất
Ngành xuất khẩu của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản được cho là sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất khi nhân dân tệ mất giá. Điều này là bởi, nhân dân tệ suy yếu sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc so với của Mỹ, Nhật Bản hay EU.
Theo nghiên cứu, nhân dân tệ cứ mất giá 10% thì xuất khẩu của Nhật Bản giảm hơn 3%, của Mỹ giảm 1,3%. EU sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi EU chiếm thị phần xuất khẩu hàng dệt may và điện máy lớn, đây cũng là những lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt của Trung Quốc.
Nhân dân tệ định giá thấp cũng là yếu tố đằng sau cuộc khẩu chiến về tỷ giá giữa Mỹ và Trung Quốc khi Washington cho rằng Bắc Kinh là nguyên nhân khiến cán cân thương mại của họ thâm hụt và buộc họ phải đưa ra các cơ chế bảo hộ. Thêm vào đó, việc phá giá nhân dân tệ khiến USD mạnh lên có thể buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải hoãn kế hoạch nâng lãi suất vào cuối năm nay, bởi USD mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu cũng như mục tiêu lạm pháy của Mỹ và lợi nhuận của doanh nghiệp nước này.
Khảo sát của CME FedWatch hôm qua cho rằng 54% Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 9, nhưng sau động thái của Trung Quốc, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn.
Ai hưởng lợi nhiều nhất?
Mục đích phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc là thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu. Theo ước tính trước đó của chuyên gia, nếu phá giá nhân dân tệ 10% thì xuất khẩu của Trung Quốc tăng khoảng 34%, nếu phá giá 25%, xuất khẩu sẽ tăng hơn 50%.
Tính riêng từng nhóm ngành xuất khẩu thì các ngành xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc được cho là hưởng lợi nhất, tiếp đến là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu xe máy, điện máy dân dụng, và các ngành sản xuất khác.
Xét đến ASEAN, trong khi lĩnh vực xuất khẩu không chịu tác động quá lớn từ việc nhân dân tệ mất giá, thì các nước này lại được hưởng lợi do giá nguyên liệu nhập khẩu như nguyên liệu dệt may giảm.
Theo Vinanet.
|