Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch phát triển ngành than giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030 cho biết dự kiến xây mới ba cảng xuất khẩu than, hai cảng nhập khẩu than. Đồng thời, ngành than sẽ cải tạo nhiều dự án cảng xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới.
Ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp Vinacomin cho biết, nhiều dự án cảng xuất nhập khẩu than sẽ được đầu tư mở rộng và xây dựng mới.
"Định hướng chung của ngành than là tiếp tụ đầu tư quy hoạch các cảng đã xây dựng theo hướng tăng cường khả năng rót than của các cảng chính thức. Theo đó, ngành than sẽ mở rộng bến cảng, nạo vét luồng lạch và hiện đại hóa các thiết bị bốc rót để nâng cao năng lực rót của các cảng.
Đồng thời, trong giai đoạn tới, nhiều càng xuất nhập than sẽ được xây dựng mới và điều chỉnh quy mô, công suất và điều chỉnh giai đoạn đầu tư của các cảng. Các cảng sau khi điều chỉnh sẽ phù hợp với quy hoạch cảng biển Việt Nam", ông Duẩn nói.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành than sẽ xây mới hai cảng nhập than tại miền Trung và miền Nam. Tại miền Trung, Cảng Hà Tĩnh sẽ được xây tại Vũng Áng với khối lượng thông qua là 35 triệu tấn/năm. Tại miền Nam, Cảng Trà Vinh xây dựng tại Duyên Hải với khối lượng thông qua năm là 60 triệu tấn/năm.
Tại miền Bắc, Cảng Cẩm Phả sẽ được đầu tư mở rộng với công suất 30 triệu tấn/năm. Cả 3 dự án trên sau khi xây dựng cải tạo sẽ đưa vào vận hành sau năm 2020.
Theo báo cáo của Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh, hiện có ba dự án cảng xuất than đã đầu tư. Ba cảng than gồm Dự án cải tạo mở rộng cảng Bến Cân với công suất 3 triệu tấn/năm, Cảng Nam Cầu Trắng công suất 5 triệu tấn/năm và Cảng Cẩm Phả công suất 12 triệu tấn/năm.
Trong giai đoạn tới, ngành than đầu tư và đưa vào vận hành thêm 6 cảng. Trong đó, ba cảng được đầu tư xây mới gồm: Cảng Hồng Thái Tây công suất 3 triệu tấn/năm do Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện. Cảng Làng Khánh công suất 5 triệu tấn/năm do Công ty kho vận Hòn Gai đầu tư. Cảng tổng hợp Cẩm Phả do Công ty kho vận và cảng Cẩm Phả đầu tư thực hiện với công suất 13 triệu tấn/năm.
Dự án Cảng Điền Công sẽ được cải tạo mở rộng với công suất 7 triệu tấn/ngày. Cảng Km 6 cũng được cải tạo mở rộng và chia làm hai dự án thành phần: Dự án cải tạo mở rộng đầu tư xây dựng cải tạo cụm càng Km6 Cẩm Phả công suất 5 triệu tấn năm và Dự án đầu tư xây dựng cải tạo Cảng Km6 - Tổng công ty Đông Bắc công suất 2 triệu tấn/năm.
Cụm cảng Mông Dương - Khe Dây cũng được cải tạo mở rộng nhưng chia làm hai phần dự án. Dự án cải tạo nâng cấp Cảng Khe Dây, xây dựng kho than và hệ thống băng tải than đến cảng do Tổng Công ty Đông Bắc làm chủ đầu tư. Dự án công suất 5 triệu tấn/năm. Phần thứ hai là Dự án Đầu tưu cải tạo nâng cấp Cảng Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả - TKV thực hiện, công suất 2 triệu tấn/năm.
* Nội dung trên trích trong Báo cáo tại Hội thảo khoa học của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp Vinacomin - Cơ quan tư vấn lập Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 điều chỉnh.
Những nội dung trong báo cáo đưa ra để các đơn vị thảo luận, tư vấn. Sau khi tiếp thu những ý kiến trên, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Quy hoạch điều chỉnh và trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo Vinanet.