80% thị phần vào tay DN nước ngoài
Theo Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư-Bộ Công Thương, hiện nay, tại Việt Nam có hơn 1.200 DN cung cấp dịch vụ logistics chủ yếu tập trung tại khu vực TP. HCM và Hà Nội, trong đó khoảng 900 DN là các đại lý vận tải (khoảng 70% trong số này là các DN vừa và nhỏ).
Đáng chú ý, trong số các DN nêu trên hiện có 25 DN logistics đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, các DN này nắm giữ 70-80% thị phần của ngành. Các DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam chủ yếu làm đại lý, hoặc đảm nhận từng công đoạn như là nhà thầu phụ trong dây chuyền logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế.
Thị trường logistics Việt Nam được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng với tốc độ phát triển của dịch vụ này đạt 16-20%/năm. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics còn thấp, chi phí cho dịch vụ logistics còn rất cao, chiếm tỉ lệ 20-25% so với GDP của Việt Nam, trong khi của Trung Quốc là 17,8% và Singapore là 9%. Tỷ lệ thuê ngoài logistics còn rất thấp, từ 25 đến 30%, trong khi của Trung Quốc là 63,3%, Nhật bản và các nước châu Âu , Mỹ trên 40%.
Thị trường vận tải logistics của Việt Nam còn nhiều phân mảnh, với 92% (700.000) xe tải đăng ký kinh doanh vận tải thuộc về các chủ xe cá thể. Đại đa số các công ty vận tải vẫn còn quy mô nhỏ với trung bình 10 xe tải.
Bên cạnh đó, cách thức tổ chức hoạt động vận tải vẫn còn thiếu hiệu quả, với hơn 70% các lượt xe không có hàng chở trong chuyến đi về, và 30% thời gian sử dụng xe bị hao hụt do phân bổ không hợp lý và chờ đợi chất xếp hàng hóa.
Chi phí còn cao
Theo kết quả khảo được công bố vào đầu tháng 9-2015 của Công ty Vietnam Supply Chain từ 100 đại điện bộ phận logistics từ các DN hoạt động tại Việt Nam về thực trạng chi phí logistics, những thách thức lớn nhất của các DN cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Kết quả phản hồi của các DN cho thấy, phần lớn các DN đều có chi phí logistics/doanh thu chiếm từ 5% đến trên 10% khi hoạt động tại Việt Nam; 40% DN cho rằng chi phí leo thang; 38% DN kỳ vọng về chất lượng dịch vụ 35% DN cho biết môi trường cạnh tranh gay gắt… là những thách thức nổi bật nhất của các DN.
Ngoài ra, một số DN còn gặp thách thức về vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống quản lý CNTT và năng lực của nhân sự. Để đối phó với những thách thức trên, đa số các DN đều chọn đầu tư nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự (40%), tự thân triển khai những dự án cải thiện hoạt động logistics và chuỗi cung ứng (37%) hoặc tìm kiếm đối tác tư vấn và phối hợp thực hiện (34%). Và việc mở rộng thị trường và tìm kiếm khách hàng mới cũng là một quan tâm lớn (30%).
Trong 5 năm vừa qua, mô hình kinh doanh của hàng tiện lợi và thương mại điện tử đang dần xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Một loạt các chuỗi cửa hàng tiện lợi đã và đang tiếp tục được mở ra tại các điểm dân cư đông đúc tại các thành phố lớn.
Hiện nay, với dân số 90 triệu người, Việt Nam đang có khoảng 400 cửa hàng tiện lợi trong cả nước. Nếu so với Thái Lan, một nước láng giềng với 60 triệu dân và 10.000 cửa hàng tiện lợi, hay so với Nhật Bản 50.000 cửa hàng tiện lợi cho 130 triệu dân, thì có thể nhận định rằng xu hướng kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam là điều tất yếu.
Sự phát triển của kênh bán hàng tiện lợi yêu cầu hoạt động logistics có khả năng giao hàng nhỏ lẻ, thường xuyên và đúng hẹn cho phép loại bỏ tồn kho tại cửa hàng và tối ưu hóa diện tích bán hàng nhưng không để xảy ra trường hợp mất doanh số do hết hàng, giảm chi phí cho dịch vụ logistics.
Song song với kênh bán hàng tiện lợi, mô hình thương mại điện tử (TMĐT) cũng đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam, hiện Việt Nam là nước đứng thứ 4 về tốc độ phát triển TMĐT tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Doanh số bán hàng của kênh TMĐT đạt 2,97 tỷ USD, tương đương 2,12% tổng doanh thu bán lẻ.
Đặc thù của kênh TMĐT là khả năng bán hàng phủ rộng khắp từ thành thị đến nông thôn thông qua mạng internet. Tuy nhiên, cũng chính vì độ phủ lớn mà gánh nặng về chi phí logistics cũng là một bài toán nhức nhối cho các DN TMĐT./.
Theo báo Hải Quan.