Có thể thấy rằng xu hướng chuyển nguồn vốn đầu tư về quê hương của các doanh nhân Việt kiều ngày càng lớn. Tuy nhiên, những chính sách về thuế và hải quan vẫn còn nhiều thủ tục nhiêu khê, chồng chéo, gây khó khăn cho việc kinh doanh, xuất nhập khẩu của kiều bào.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp (DN) Việt kiều và lượng kiều hối chuyển về ước đạt gần 2,2 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Vừa qua, lãnh đạo Chi cục Thuế và hải quan thành phố đã có buổi đối thoại trực tiếp với kiều bào nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác đầu tư trong ngày 21/8.
“Lần nhập hàng nào cũng phải chung chi”
Đó là phản ánh của ông Nguyễn Như Khuê - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Hóa nhựa Bông Sen (Lotus) về tình trạng nhũng nhiễu từ phía hải quan.
Ông Khuê cho biết: “Hiện có đến 80% nguyên liệu của ngành nhựa phải nhập khẩu nhưng hàng nhập về thường bị giữ lại ở cửa khẩu vì vướng nhiều thủ tục hải quan. Khi hàng hóa bị đưa vào phân luồng đỏ thì chúng tôi biết trước rằng hàng sẽ bị “giam” dài ngày, tổn thất là khó tránh khỏi. Nhiều trường hợp hàng hóa được đưa vào phân luồng xanh (phân luồng ưu tiên) nhưng hải quan vẫn có quyền kiểm hóa. Việc kiểm hóa hàng chục container không chỉ gây mất nhiều thời gian mà còn gây hư hỏng, tổn thất nghiêm trọng. Chính vì vậy, hầu hết các lô máy móc chúng tôi nhập khẩu về phục vụ cho sản xuất đều phải “cắn răng” chung chi để bôi trơn các thủ tục hải quan”.
Điều này bị cho là phi lý khi hiện nay hải quan điện tử đã được thực hiện, có máy soi kiểm tra hàng hóa trước và sau thông quan. Vậy mà các lô hàng máy móc thiết bị vẫn phải thực hiện khâu kiểm tra thực tế hàng hóa mới được cho thông quan.
Trong khi đó, DN rất ngại khâu này, bởi phải tháo dỡ, ảnh hưởng đến chất lượng máy móc, chưa kể thời gian lưu hàng ngoài cảng.
Từ những khâu kiểm hóa trên thì sinh ra “cò” dịch vụ thông quan, giá “chung chi” một container là từ 200 đến 300 USD, DN thường chấp nhận mất chi phí này vì chi phí cho việc kiểm tra của hải quan cũng có giá tương đương mà còn mất thêm thời gian chờ đợi.
Như vậy, DN nhập một lô hàng 11 container thì chi phí “bôi trơn” đến hơn 90 triệu đồng!
Vấn đề nhũng nhiễu trong các thủ tục hải quan vốn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhiều DN còn nói rằng container được vận chuyển bằng phong bì chứ không phải bằng xe hay tàu, không có phong bì thì có xe cũng khó chạy nổi.
Đây là một tình trạng làm tăng thêm chi phí và thời gian của DN, đã được đề cập đến từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
Lý giải về nguyên nhân thông quan còn mất nhiều thời gian, ông Đinh Ngọc Thắng - Phó cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện nay, hải quan thành phố phải liên thông với 16 đơn vị để có thể kiểm tra nhanh hàng hóa cho DN xuất nhập khẩu thông quan.
Ông Lê Ngọc Thạch, Việt kiều Canada, cho rằng thủ tục này nên có tính linh động phù hợp với từng loại hàng hóa. DN của ông Thạch chuyên nhập một số giống thủy sản quý hiếm nước ngoài về nước để nuôi trồng, như cá hồi Canada, cá chình mun…
Tuy nhiên, quy trình, thủ tục kiểm dịch thực vật ở hải quan quá lâu và hậu quả là cá giống chết hàng loạt chỉ sau hai ngày “tắc” tại cửa thông quan.
Trong khi đó, đại diện DN này chia sẻ, ở nước ngoài thì việc nhập khẩu các giống cây trồng, vật nuôi sẽ đơn giản hơn, chỉ cần nhập đúng danh mục hàng hóa theo giấy phép nhập khẩu đã được cấp trước đó thì hàng hóa sẽ được cho thông quan.
Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cũng thừa nhận văn hóa “phong bì”, tệ quan liêu, nhũng nhiễu, thủ tục hành chính rườm rà đã khiến nhiều nhà đầu tư Việt kiều chán nản, từ bỏ quyết định đầu tư về nước.
Trong khi Chính phủ đã tích cực tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện rất lớn cho kiều bào đầu tư về nước như miễn tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3 đến 10 năm…
Và lợi ích về kinh tế mà kiều bào đem lại là không thể phủ nhận. Ước tính tổng lượng đóng góp của kiều bào cho đất nước mỗi năm đã lên tới gần 20 tỷ USD, bằng khoảng 1/5 GDP cả nước, trở thành một nguồn lực lớn đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Rắc rối về chính sách thuế
Các Việt kiều tại buổi đối thoại cho rằng chính sách thuế vốn lằng nhằng, nhiêu khê, nay còn thay đổi liên tục khiến DN “chóng mặt”. Hơn nữa, mỗi cơ quan còn áp dụng một kiểu, gây khó khăn rất nhiều cho doanh nhân kiều bào.
Bà Nguyễn Bùi Bạch Hà - Giám đốc Công ty May mặc Duy Phát cho biết: “Cùng một mặt hàng găng tay len có tráng nhựa, nhưng Chi cục Thuế quận Gò Vấp bắt đóng 10%, Chi cục Thuế quận Tân Bình áp dụng mức thuế 5%”.
Không riêng ngành thuế mà ngành hải quan cũng áp thuế nhiều kiểu. Cùng một sản phẩm kim loại màu nhập khẩu nhưng DN của bà Bạch Hà bị hải quan áp dụng mức thuế VAT là 10%, một DN khác chỉ chịu mức thuế 5%!
Về vấn đề này, bà Trần Thị Lệ Nga - Phó cục trưởng Cục thuế TP cho biết, thuế suất thuế VAT được tính dựa trên sản phẩm làm ra chứ không phụ thuộc vào nguyên liệu để hình thành nên sản phẩm đó.
Do đó, cơ quan thuế không tự đặt ra cách tính thuế suất VAT đối với mặt hàng dù nó được làm ra từ bao nhiêu nguyên liệu với thuế suất bao nhiêu.
Với trường hợp DN của bà Bạch Hà, công ty trực tiếp gặp Cục thuế để cung cấp hồ sơ để Cục thuế xem lại việc tính thuế suất thuế VAT đối với sản phẩm của công ty.
Nếu cơ quan thuế thu vượt quá mức thuế suất quy định thì phải hoàn lại cho DN, còn thu thiếu mức quy định thì DN sẽ phải đóng thêm.
Nhắc đến việc hoàn thuế, nhiều người lại “thở dài” vì đây vốn là câu chuyện chưa có hồi kết của Chi cục Thuế.
Có mặt tại buổi đối thoại, ông Lê Quang Tấn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Bảo cho biết, công ty ông hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản. Từ tháng 6/2001, Việt Bảo làm hồ sơ xin hoàn thuế tại Chi cục Thuế quận Tân Bình với số tiền xin hoàn trên 2 tỷ đồng.
Theo quy định, cơ quan chức năng phải hoàn thuế cho DN trong vòng 15 ngày nhưng đến nay đã ba quý công ty vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Ông Quang Tấn cho biết: “Việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ xin hoàn thuế đã khiến chúng tôi rơi vào trình trạng thiếu vốn, phải vay ngân hàng và phải trả lãi 0,75%/tháng”.
Theo ý kiến của các doanh nhân kiều bào có mặt tại buổi đối thoại, nhiều thắc mắc của DN liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN , nạn “bôi trơn”… vẫn chưa được giải đáp một cách thỏa đáng. Trong đó, vấn đề kiểm tra chuyên ngành là vấn đề “nóng” nhất và chưa thật sự có được giải pháp tháo gỡ.
Theo Doanh nhân Sài Gòn.