Là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, có vị trí “đắc địa” với nhiều quốc lộ đi ngang qua và có cả hệ thống đường thủy khá thuận lợi song dịch vụ logistics của Đồng Nai chưa phát triển xứng tầm. Đây chính là hạn chế khiến DN xuất khẩu giảm sức cạnh tranh do chi phí vận chuyển cao.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 35 KCN với tổng diện tích 12 ngàn ha. Do đó, yêu cầu cấp thiết của Đồng Nai là hoàn thiện hệ thống dịch vụ logistics nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu từ các cảng biển đến các KCN và ngược lại. Hiện nay, cùng với việc tỉnh xúc tiến lập quy hoạch logistics và xây dựng chiến lược phát triển một trung tâm logistics trên địa bàn để phục vụ cho tỉnh và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một số DN trong lĩnh vực này đã mạnh dạn đầu tư, nâng cao lực cạnh tranh để tăng độ bao quát thị trường và kéo giảm chi phí vận chuyển cho khách hàng. Như trong tháng 9 này, thị trường logistics Đồng Nai đón nhận tin vui lớn khi Cty CP Cảng Đồng Nai khánh thành cầu 30.000 DWT tại Cảng Gò Dầu.
Xây cầu đón tàu 30.000 DWT
Ngay sau lễ khánh thành cầu 30.000 DWT vào ngày 23/9 sắp tới, Cảng Gò Dầu có thể đón tàu có trọng tải lên đến 30.000 DWT thay vì chỉ đón được các tàu có trọng tải tối đa 15.000 DWT như trước đây. Đây là bước tiến đáng kể, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện chuỗi logistics của tỉnh và nâng cao năng lực hoạt động của Cảng Đồng Nai.
Tính đến thời điểm hiện tại, cầu 30.000 DWT tại Cảng Gò Dầu là công trình cầu cảng lớn nhất tại Đồng Nai. Dự án gồm một cầu chính có chiều dài 457.84 m, chiều rộng 22 m, và hai cầu dẫn có chiều dài 32 m, chiều rộng 12 m, được chia làm hai giai đoạn đầu tư.
Ở giai đoạn 1 với tổng mức 187 tỷ đồng, Cảng Đồng Nai đã hoàn thành cầu chính có chiều dài 250,6 m, chiều rộng 22 m được nối liền với bến 15.000 DWT. Cầu dẫn có chiều dài 32 m, chiều rộng 12 m và tại vị trí tiếp giáp với cầu chính được mở rộng thành 18 m. Cao trình đỉnh bến là +6,2 m, cao trình đáy bến -12,2 m (Hệ cao độ Hải đồ) và 1 cẩu bờ chạy trên ray, sức nâng 40T.
Theo Cty CP Cảng Đồng Nai, bến tàu 30.000 DWT là bước đi chiến lược nhằm tăng công năng khai thác của Cảng cũng như khả năng tiếp nhận tàu lớn vào Cảng làm hàng. Đồng thời, đáp ứng được tổng nhu cầu hàng hóa bốc xếp qua cảng Gò Dầu – khu B, dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 5,54 triệu tấn/năm, trong đó lượng hàng qua cảng tại khu vực khi có cầu 30.000 DWT giai đoạn 1 là 4,37 triệu tấn/năm. Đây cũng là bước đi phù hợp với quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển số 5 đã được phê duyệt (cảng Gò Dầu khu B được quy hoạch cho tàu 15.000 đến 30.000 DWT) và quy mô tuyến luồng tàu biển Vũng Tàu – Thị Vải đoạn tại khu vực Gò Dầu cho tàu trọng tải đến 30.000 DWT.
Được biết, sau khi đưa vào sử dụng, bến tàu 30.000 DWT sẽ đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa tại cầu cảng cho các đơn vị đang thuê mặt bằng tại cảng Gò Dầu, các cơ sở sản xuất thuộc khu công nghiệp Gò Dầu và các khu công nghiệp lân cận. Ngoài ra còn thực hiện bốc xếp hàng hóa tại cầu cảng phục vụ cho hoạt động của nhà máy Alumin Tân Rai Lâm Đồng.
Tiết kiệm 30% chi phí logistics
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Việt – Trưởng phòng xuất nhập khẩu Cty TNHH Wasea (TP HCM) – đơn vị làm dịch vụ xuất nhập khẩu hàng cho một số DN tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 và Amata, dịch vụ logistics trên địa bàn chưa phát triển nên chi phí của các DN sản xuất trong nước hiện nay cao hơn khoảng 15% so với các DN làm hàng xuất khẩu trong khu vực. Điều đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các DN sản xuất.
Với cầu 30.000DWT, Cảng Đồng Nai đã ghi một dấu ấn mới trong nỗ lực đồng hành cùng DN, góp phần giúp các DN đưa ra thị trường hàng hóa có giá cạnh tranh, tối ưu hóa lợi nhuận và chi phí.
Đây cũng là trăn trở của rất nhiều chủ hàng trước bài toán giảm chi phí logistics để đưa ra thị trường sản phẩm có giá cạnh tranh. Hiện, một trong những giải pháp được các chủ hàng lựa chọn là vận tải bằng tàu có trọng tải lớn từ 30.000 WT hoặc cùng ghép hàng nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển đường biển. Tuy nhiên, từ trước tới nay, đối với những lô hàng lớn khách hàng ở khu vực Đồng Nai phải đưa tàu về các cảng ở TP HCM hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu sau đó vận chuyển hàng bằng đường bộ về kho.
Nhìn vào bối cảnh đó, có thể thấy việc Cảng Đồng Nai mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đầu tư một công trình lớn như cầu 30.000 DWT tại cảng Gò Dầu và tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành công trình này trong thời gian nhanh nhất chính là một nỗ lực đáp ứng sự mong đợi của thị trường. Không chỉ đóng vai trò một mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics, cầu 30.000 DWT tại cảng Gò Dầu còn là câu trả lời cho bài toán tiết giảm chi phí vận chuyển của các DN.
Theo đó, với vị trí địa lý khá thuận lợi là gần các cụm, khu công nghiệp, cự ly vận chuyển đường bộ ngắn, khi tàu cập bến 30.000 DTW của Gò Dầu có thể tiết kiệm chi phí vận tải đường bộ, tăng vòng quay xe để giải phóng hàng hóa tại cảng nên tiết kiệm đáng kể chi phí logistics cho các DN tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh phía bắc Đồng Nai.
Theo tính toán, đối với những DN đóng trên địa bàn các KCN của tỉnh Đồng Nai, Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên nếu đưa tàu có trọng tải phù hợp về làm hàng tại cảng Gò Dầu sẽ rút ngắn quãng đường gần 15km so với các cảng khu vực Phú Mỹ, qua đó tiết giảm chi phí vận tải trên 30%. Bên cạnh đó, giảm hao hụt hàng hóa, tăng năng suất làm hàng, chu kỳ quay vòng xe được rút ngắn, giảm thiểu thời gian tương ứng phục vụ kịp thời nguyên liệu sản xuất và đáp ứng xu hướng giảm nguyên liệu tồn kho tại các nhà máy.
Hiện nay, cùng với việc hoàn thành đầu tư cầu 30.000 DWT tại cảng Gò Dầu, Cảng Đồng Nai đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để giải phóng tàu nhanh. Theo đánh giá của nhiều chủ hàng trên địa bàn, với cầu 30.000 DWT, Cảng Đồng Nai đã ghi một dấu ấn mới trong nỗ lực đồng hành cùng DN, góp phần giúp các DN đưa ra thị trường hàng hóa có giá cạnh tranh, tối ưu hóa lợi nhuận và chi phí.
Theo Enternews