Phải mất hết 9 năm Unilog mới có được kho hàng rộng 10.000 m2 chỉ để phục vụ một khách hàng duy nhất đầu tiên.
Đi lên từ con số không trong lĩnh vực logistics và trở thành doanh nghiệp Việt Nam sở hữu hệ thống kho ngoại quan lớn nhất Việt Nam, có thể đưa hàng Việt Nam thẳng từ hệ thống kho này đến các điểm bán lẻ trên toàn Bắc Mỹ, không phải là điều đơn giản. Đặc biệt trong điều kiện ngành logistics Việt Nam có chi phí khá cao, chiếm tới 25% GDP.
Ông Mai Hữu Tín- Chủ tịch Unigroup và cũng là Chủ tịch Công ty Cổ phần Logistics U&I (Unilog), chia sẻ với chúng tôi rằng cách đây 17 năm Unilog bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này, với xác định rõ ràng rằng sẽ làm thật bài bản để có thể tồn tại lâu dài.
“Nếu chỉ làm đơn thuần với vài chiếc xe tải hay cung ứng dịch vụ thông thường thì sớm muộn gì cũng chết, bởi ai cũng làm được. Chúng tôi buộc phải đầu tư, nhưng không phải cứ có tiền là làm được”, ông Tín chia sẻ.
Tiền và giá rẻ không là chưa đủ
Theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện có khoảng 1300 doanh nghiệp dịch vụ logistics, chủ yếu làm giao nhận, vận tải, dịch vụ lưu kho bãi, cảng biển, xếp dỡ, kho phân phối, đại lý thủ tục hải quan, 3PL…
Điều đáng chú ý là có khoảng gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản. Việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải… ở mức bình quân khoảng 16% và chỉ khoảng 4% về kho bãi, cảng… còn lại phải thuê ngoài. Đây là bài toán khó khiến doanh nghiệp logistics Việt Nam không thể “chen chân” sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Tín nhìn nhận chỉ có tiền thôi thì không thể chắc chắn đầu tư thành công vào ngành logistics, mà phải đầu tư có chiến lược. Tức là phải nghiên cứu thật kỹ thị trường trọng tâm, tìm ra những “ngách” có tiềm năng để nhắm đến và có chiến lược khai thác phù hợp.
“Chúng tôi đã đi thăm, nghiên cứu và trao đổi với hầu hết các DN lớn ở Bình Dương để xem có thể làm được gì với họ. Qua đó chúng tôi học được vài điều, làm cơ sở để Unigroup mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này” - Ông Tín nói.
Vị lãnh đạo DN này cho biết, Bình Dương là nơi tập trung rất nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ, với hơn 500 nhà máy và giữ vị trí hàng đầu quốc gia trong ngành ngày. Nhiều nghiên cứu, dự báo chỉ ra rằng trong vài chục năm nữa Việt Nam vẫn có nhiều thế mạnh trong sản xuất đồ gỗ.
Dẫn chứng, Chủ tịch Unigroup nói: “Tôi phát hiện ra các nhà bán lẻ lớn của Mỹ có mặt rất nhiều ở Bình Dương để mua sản phẩm đồ gỗ sản xuất tại đây”.
Nghiên cứu tiếp về hoạt động logistics của các nhà bán lẻ này, ông Tín thấy rằng thông thường hàng hóa được mua từ các nhà máy tại Việt Nam, sau đó gom về các điểm trung chuyển, là các trung tâm phân phối lớn của họ gần các cảng ở Mỹ, từ đó mới phân bổ hàng đến các điểm bán lẻ.
Từ đây, ông Tín nhìn thấy cơ hội cho doanh nghiệp logistics Việt Nam làm các trung tâm phân phối như vậy ngay tại Việt Nam.
Unigroup tiếp cận các nhà bán lẻ đó và đặt thẳng vấn đề với họ, trong đó nhấn mạnh khả năng cung ứng dịch vụ tương ứng như tại Mỹ nhưng với chi phí thấp hơn, thời gian nhanh hơn.
“Tất nhiên, lúc đầu không ai tin chúng tôi cả. Phải mất rất nhiều công sức chúng tôi mới có được khách hàng đầu tiên chịu sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Để thuyết phục được khách, giá không phải là yếu tố quyết định, mà chúng tôi phải chứng minh là có đủ kho tàng với trang thiết bị và công nghệ quản lý phù hợp”, ông Tín nói.
Làm kho thì dễ rồi. Nhưng các khoản đầu tư như hệ thống kệ chuyên cho đồ gỗ, thiết bị chống ẩm, phần mềm quản lý tồn kho thực tế tương thích với phần mềm của khách hàng và của cả hải quan Mỹ là chuyện không đơn giản vào thời điểm đó.
Ông Quang cũng nhìn nhận, việc đầu tư vào công nghệ thông tin giúp cho doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể nâng cao sức cạnh tranh và thuyết phục được khách hàng. Do vậy, gần đây nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực này khi có khoảng 10% trang bị hệ thống ERP, 17% có sử dụng EDI, hầu hết có phần mềm hải quan và kế toán. Trong vận tải có 19% sử dụng phần mềm TMS, 29% sử dụng GPS; trong kho hàng gần 17% sử dụng Bar Code và phần mềm WMS…
Bài toán đầu tư hạ tầng, công nghệ
Trở lại câu chuyện của Unilog, cửa ải khó khác được ông Tín chia sẻ là làm thế nào để thuyết phục được hải quan Mỹ chấp nhận Unilog như một đối tác, đảm bảo việc truy suất nguồn gốc và sự an toàn của hàng hóa khi thông quan. Với các khoản đầu tư bài bản, đúng trọng tâm của mình, Uniog đã được chấp nhận.
“Những việc này là quá trình tương đối dài, nhưng khi chúng tôi xác định rằng đây là khâu đột phá thì chúng tôi quyết liệt theo đuổi và chấp nhận đầu tư nhiều về thời gian, tiền và nhân sự để thực hiện được chiến lược trong phân khúc thị trường rất nhỏ này”, ông Tín nói.
Phải mất hết 9 năm Unilog mới có được kho hàng rộng 10.000 m2 chỉ để phục vụ một khách hàng duy nhất đầu tiên. Nhưng sau đó khi đã chứng minh được chất lượng dịch vụ tốt theo chuẩn quốc tế với giá cả phù hợp, Unilog đã thuyết phục được rất nhiều nhà bán lẻ đồ gỗ khác lớn hơn ở Mỹ làm khách hàng. Vị lãnh đạo của Unilog vui mừng chia sẻ rằng đến nay hầu hết các nhà bán lẻ đồ gỗ lớn của Mỹ đang sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp này.
“Từ 10.000 m2 kho đầu tiên, chỉ để phục vụ một khách hàng với phân khúc rất nhỏ mà ít ai chú ý, thì nay chúng tôi đang là công ty logistics sở hữu hệ thống kho ngoại quan tập trung đặt tại Bình Dương lớn nhất Việt Nam với hơn 200.000 m2, phục vụ chính cho ngành đồ gỗ. Sẽ rất khó cho bất kỳ ai, bao gồm cả các doanh nghiệp logistics nước ngoài, cạnh tranh với chúng tôi trong mảng này”, ông Tín nói.
Sự nỗ lực và chủ động của DN là cần thiết, song theo ông Quang, để các DN Việt Nam có thể chen chân vào chuỗi cung ứng dịch vụ logistics toàn cầu, thì cần có chính sách hỗ trợ. Bên cạnh giải pháp pháp luật, thể chế, chính sách, cần thành lập Ủy ban phối hợp về Logistics quốc gia Việt Nam, hỗ trợ phát triển năng lực cạnh tranh của DN..
Theo Trí thức trẻ