Thời gian qua, dù được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá đã có những bước tiến tích cực về mặt thủ tục, song cơ quan hải quan vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu DN, nhiều cán bộ hải quan tìm cách buộc DN phải "chung chi".
Đó là những ý kiến chia sẻ tại tọa đàm về thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Theo ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM, DN nhập khẩu máy móc nhằm đổi mới công nghệ nhưng cũng phải "bôi trơn".
"Việc "bôi trơn" không chỉ phải thực hiện trong thông quan mà cả ngay thông quan xong DN vẫn phải chi những loại phí không chính thức.
Minh chứng điều này, mới đây, Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM đã khảo sát 62 DN về thủ tục hải quan. Kết quả cho thấy có 41/62 DN cho rằng, có một số thủ tục hải quan được đưa ra không đúng như Luật Hải quan quy định hoặc không nằm trong Luật.
Chưa dừng lại ở đó, một bộ tờ khai chỉ có 20.000 đồng nhưng chi phí hải quan mà DN phải chịu cho một container hàng hóa dao động ở mức 150.000 - 200.000 đồng (tùy từng chi cục hải quan).
"Cũng từ cuộc khảo sát này, 25 DN cho hay, trong 5 khâu làm việc của hải quan, khâu chờ kiểm tra hồ sơ và đề xuất tỷ lệ kiểm là lâu nhất. Hải quan không để lại cảm tình tốt cho DN. Nhìn chung hải quan đang xem DN là lực lượng đối đầu chứ không phải đối tác", ông Bé nhấn mạnh.
Trước tình trạng thủ tục hải quan rờm rà, nhũng nhiễu, DN quan ngại khó cạnh tranh khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập, xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ tăng cao.
Theo GS. Trần Đình Bút, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đưa Việt Nam đứng trước thách thức lớn vì hệ thống pháp luật Việt Nam mới trong hình thức buôn bán nhỏ, khác xa với các nước đã phát triển.
TPP tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam phát triển nhưng nếu không cải cách kịp thời một số luật và thủ tục hành chính thì DN Việt Nam sẽ không bắt kịp thời cơ.
Theo các DN, các thủ tục hải quan cần cải cách đồng bộ, nhưng trước mắt, cần chấn chỉnh việc ban hành thông tư. Cụ thể, khi ra thông tư mới thay thế thông tư cũ, cần bỏ ngay thông tư cũ.
Đừng nhập nhằng giữa mới và cũ vì như thế DN rất khó nắm bắt để thực hiện, cán bộ hải quan lại có điều kiện vòi tiền. Bàn về giải pháp cải cách thủ tục thuế - hải quan, các ý kiến đều cho rằng cải cách thuế - hải quan phải xuất phát từ đội ngũ cán bộ.
Trước kiến nghị của DN, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay, sẽ tiếp tục lắng nghe để tập hợp ý kiến gửi đến các cơ quan chức năng, từ đó có định hướng nâng cao chất lượng và đạo đức cán bộ, công chức.
Theo Doanh nhân Online.