Đồng Nai hiện là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn năm 2015 đạt khoảng 30 tỷ USD, chiếm trên 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Mặc dù là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp và có vị trí “đắc địa” với hệ thống đường bộ có nhiều quốc lộ đi ngang qua và có cả hệ thống đường thủy khá thuận lợi song dịch vụ logistics của Đồng Nai chưa phát triển xứng tầm.
Đây chính là hạn chế khiến doanh nghiệp xuất khẩu giảm sức cạnh tranh do chi phí vận chuyển cao.
Chưa khai thác hết tiềm năng
Đồng Nai là tỉnh hội tụ rất nhiều ưu thế để phát triển lĩnh vực logistics với sự tập trung đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ về hệ thống giao thông trên địa bàn như các tuyến đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 20, cao tốc Long Thành-Dầu Giây, cùng với cảng biển và tới đây là dự án sân bay quốc tế Long Thành…
Những năm qua, lĩnh vực này được các doanh nghiệp phát triển hết sức manh mún. Tính đến nay Đồng Nai mới có 60 doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp làm dịch vụ khai thuê hải quan. Các doanh nghiệp vận tải mới có 360 đầu xe container, nên chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ trong nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Wasea (Thành phố Hồ Chí Minh) - đơn vị làm dịch vụ xuất nhập khẩu hàng cho một số doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 và Amata cho biết, dịch vụ logistics trên địa bàn chưa phát triển nên chi phí của các doanh nghiệp sản xuất trong nước hiện nay cao hơn khoảng 15% so với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu trong khu vực. Điều đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, hiện tại dịch vụ logistics trong nước mới dừng lại ở khâu làm thủ tục hải quan và chở hàng ra đến cảng. Đây mới chỉ là một phần của dịch vụ logistics.
“Hiện nay các doanh nghiệp dịch vụ logistics chủ yếu làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp nào khá hơn một chút thì có được vài chiếc xe kéo container. Logistics như vậy là thiếu chuyên nghiệp,” ông Tuấn nói.
Ông Morikawa Akira, Tổng quản lý Trung tâm kho vận logistics tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 thuộc Công ty Sankyu Logistics Việt Nam chia sẻ, logistics ở Việt Nam còn khá mới và chưa phát triển mạnh, hệ thống giao thông phát triển chậm cũng là một trở ngại cho ngành dịch vụ logistics. Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần gần 100 năm ở Nhật Bản, Công ty Sankyu đã nhìn thấy rõ những điểm yếu của ngành logistics Việt Nam và đang tập trung đầu tư mạnh vào ngành này.
Tại Nhơn Trạch, Công ty Sankyu Logistics Việt Nam đã xây dựng cả những kho ngoại quan chuyên nghiệp để cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước thuê.
"Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, đã đến lúc Đồng Nai cần có chiến lược phát triển một trung tâm logistics, không chỉ phục vụ cho tỉnh mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam," ông Morikawa Akira cho biết.
Có nhiều triển vọng phát triển
Là địa bàn đặc biệt đòi hỏi hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải thủy phát triển nhanh, mạnh để đáp ứng nhu cầu vận tải công nghiệp, Đồng Nai cũng đã lập xong quy hoạch giao thông-vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Tỉnh Đồng Nai đã xác định vai trò quan trọng trong việc tăng cường các dự án đầu tư phục vụ dịch vụ logistics, cải tạo cảng.
Hiện có 3 cảng trên sông Đồng Nai đang hoạt động gồm: Cảng tổng hợp Đồng Nai (phường Long Bình Tân, Biên Hòa) phục vụ cho tàu có tải trọng 5.000DWT, cảng chuyên dùng SCT tiếp nhận tàu 1.000DWT, cảng chuyên dùng VT gas (1.000DWT). Ngoài sông Đồng Nai, trên sông Nhà Bè-Lòng Tàu hiện có 5 cầu cảng; sông Thị Vải có 5 cầu cảng và bến cảng.
Tháng Chín vừa qua, Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai khánh thành cầu 30.000DWT tại Cảng Gò Dầu, sau khi đưa vào sử dụng, bến tàu 30.000DWT sẽ đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa tại cầu cảng cho các đơn vị đang thuê mặt bằng tại cảng Gò Dầu, các cơ sở sản xuất thuộc khu công nghiệp Gò Dầu và các khu công nghiệp lân cận. Ngoài ra còn thực hiện bốc xếp hàng hóa tại cầu cảng phục vụ cho hoạt động của nhà máy Alumin Tân Rai Lâm Đồng.
Mới đây, tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Kho ngoại quan và cung cấp dịch vụ logistics tại phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh đó, tỉnh đang xúc tiến lập quy hoạch logistics và xây dựng chiến lược phát triển một trung tâm logistics trên địa bàn để phục vụ cho tỉnh và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã mạnh dạn đầu tư, nâng cao lực cạnh tranh để tăng độ bao quát thị trường và kéo giảm chi phí vận chuyển cho khách.
Tiến sỹ Lý Bách Chấn, chuyên gia về logistics, người đang tư vấn cho Đồng Nai về lập quy hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, phân tích: “Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp, vì vậy dịch vụ logistics hết sức quan trọng. Đây là ngành dịch vụ thực hiện quá trình lưu thông phân phối hàng hóa, có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế không chỉ riêng cho Đồng Nai mà còn tác động đến cả vùng.”
Cũng theo tiến sỹ Chấn, Đồng Nai có vị trí địa lý và hệ thống giao thông đường bộ lẫn đường thủy hết sức thuận tiện trong giao thương với các tỉnh trong nước cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa.
Hai dự án mà ông Chấn hết sức tâm đắc là Cảng hàng không quốc tế Long Thành và tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, khi được xây dựng sẽ thúc đẩy ngành logistics phát triển mạnh.
Có thể nói Đồng Nai đã có những tiền đề quan trọng để có thể phát triển hệ thống dịch vụ logistics quy mô và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn.
Tỉnh đang xúc tiến xây dựng quy hoạch logistics trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 để định hướng phát triển.
Khi quy hoạch được phê duyệt, sẽ huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, từ mọi thành phần kinh tế tham gia để dịch vụ logistics phát triển tương xứng với quy mô công nghiệp, góp phần đem lại hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế./.
Theo TTXVN/VIETNAM+