Tại Diễn đàn Logisticts Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề “Giải pháp cải thiện hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đề xuất ba nhóm giải pháp nhằm hội nhập ngành logistics Việt Nam khu vực và thế giới, trong đó có đề xuất sửa Luật Thương mại và đề xuất Luật Logistics.
Ông Quang, đề xuất nên có Luật Logistics Việt Nam. Và trong khi chờ đợi Luật này ra đời thì trước hết cần sửa đổi Luật Thương mại, trong đó về lĩnh vực logistics cần dành hẳn một Chương, ở vị trí là hoạt động thúc đẩy thương mại (như quảng cáo, xúc tiến..) chứ không phải nằm trong mục dịch vụ khác; cần quy định đầy đủ các nội dung cơ bản như điều kiện kinh doanh, quyền hạn, trách nhiệm, các loại hình chính, quản lý nhà nước, các chính sách ưu đãi... cập nhật các lĩnh vực hoạt động đa dạng của logistics đương đại, làm rõ khái niệm và định hình ngành “mũi nhọn”, đồng thời có các thể chế, chính sách phù hợp tạo thuận lợi thúc đẩy logistics Việt Nam phát triển trong từng thời kỳ tương ứng với vai trò mũi nhọn của nó.
Ngoài ra, ông Quang cho rằng do đặc thù ngành logistics và theo kinh nghiệm các nước trong khu vực thì nên thành lập Ủy ban Phối hợp về logistics quốc gia Việt Nam nhằm giám sát thực thi các cải cách và can thiệp trong lĩnh vực logistics.
Về lâu dài cần có một kế hoạch hành động logistics quốc gia của Chính phủ xuyên suốt trong thời kỳ từ nay đến 2020 và 2030. Cần có thống kê quốc gia về logistics, và các bộ chỉ số đánh giá logistics dựa vào các chuẩn mực khu vực và thế giới.
Về năng lực cạnh tranh, để có thể phát triển thì cần có các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm tạo ra các đột phá trong kết cấu hạ tầng logistics (cảng biển/hàng không, trung tâm logistics, ICD, các hàng lang kinh tế Bẳc Nam, Đông Tây, hạ tầng công nghệ thông tin...) với các ưu đãi về thuế, đất, tín dụng nhằm tạo thuận lợi thương mại.
Cần phát triển thương mại điện tử, hệ thống phân phối, bán lẻ đô thị, đầu tư ứng dụng CNTT sâu rộng, song song hình thành các doanh nghiệp 3 PL, 4PL trong phân phối, bán lẻ.
Đưa ngành logistics phổ biến tại các trường đại học, cao đẳng song song với việc xây đựng kỹ năng nghề logistics. Nâng cao tỷ lệ đào tạo nhân lực logistics (50%) qua các trường chuyên nghiệp và giảm dần việc tự đào tạo theo kinh nghiệm. Khuyến khích lao động có tay nghề chuyển dịch trong khu vực.
Các hiệp hội nghề tăng cường kết nối ngang các hoạt động dịch vụ logistics của các doanh nghiệp theo lợi thế, đẩy mạnh mua bán sát nhập (M&A), khuyến khích phát triển mạng lưới ngoài nước, các dịch vụ giá trị gia tăng, đa phương thức (logistics tích hợp/3PL).
Về các giải pháp hỗ trợ, theo ông Quang, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích chủ hàng thuê ngoài logistics, giảm hẳn tập quán mua CIF bán FOB (thay vào đó là các điều kiện linh hoạt và ít rủi ro hơn) để chủ động và kiểm soát chuỗi cung ứng của mình.
Trao đổi bên lề đại hội, ông Quang cho biết, để có thể phát triển tốt ngành logistics tại Việt Nam, vấn đề đầu tiên là phải phát triển nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực phải được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp vì thị trường sắp tới không cho những người không chuyên thành công, những doanh nghiệp nào không chuyên nghiệp, không theo tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế sẽ bị đào thải. Bên cạnh đó, phát triển logistics là phát triển về dịch vụ, và với công ty dịch vụ thì con người là nhân tố quan trọng nhất.
Cũng liên quan đến vấn đề Luật, trong phần tham luận của mình, TS Trần Du Lịch – Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng không cần phải xây dựng bộ luật mới về logistics mà theo ông, vấn đề hiện tại là làm thế nào để các doanh nghiệp logistics mạnh lên. Theo TS Lịch, việc các doanh nghiệp trong khối mạnh lên sẽ giúp thị phần doanh nghiệp nội cải thiện và qua đó các vấn đề liên quan cũng được giải quyết.
Ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đang trình bày tại Diễn đàn Logisticts Việt Nam lần thứ 3 |
Doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 25% thị phần logistics
Một thực trạng theo ông Quang đánh giá là không “ấn tượng” khi thị phần các doanh nghiệp Việt Nam có dịch vụ logistics chỉ chiếm 25%. Điều đáng nói không phải là con số phần trăm thị phần mà là tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam so với mức phần trăm này.
Ông Quang cho biết, với con số ước khoảng 1,300 doanh nghiệp dịch vụ logistics mà chủ yếu làm giao nhận, vận tải, các dịch vụ kho bãi, cảng biển, xếp dỡ, kho phân phối, đại lý, thủ tục hải quan,... Thị phần các doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 25%, trong khi về sổ lượng thì các doanh nghiệp Việt Nam chiếm đến 95-96% tổng số.
Về lao động trong mảng này, chỉ khoảng 5-7% số lao động là có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, số lao động còn lại từ nhiều nguồn và 85% doanh nghiệp tự đào tạo nguồn nhân lực của mình thông qua kèm cặp, rèn tay nghề sau tuyển dụng nhiều năm. Khoảng 40% doanh nghiệp logistics cho rằng nhân lực tạm đáp ứng so với tình hình hiện nay trong khi 23% cho là thiếu và không đáp ứng.
Gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản. Bình quân việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải chỉ khoảng 16% và khoảng 4% về kho bãi, cảng... còn lại phải thuê ngoài.
Về tình hình kinh doanh và hội nhập, qua khảo sát 2 năm 2014 và 2015 của VLA, số doanh nghiệp đạt và vượt kế hoạch khoảng 80% , trong đó có lãi 70 %; số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động chiếm một tỉ lệ rất ít với 1% so với các ngành khác. Các doanh nghiệp nằm trong top 20/25 không thua kém doanh nghiệp nước ngoài như SNP, Gemadept (GMD), Vinafco (VFC), Transimex Saigon (TMS), Vinafreight, Viconship, Vietfracht, Sotrans (STG)...
Có thể thấy rằng ngành dịch vụ logistics Việt Nam sau hội nhập WTO đến nay đã trụ vững qua nhiều thăng trầm thị trường, xác lập được lòng tin với khách hàng trong và ngoài nước, biết tận dụng lợi thế địa phương, chủ động hợp tác và hội nhập hoạt động dịch vụ logistics với các doanh nghiệp FDI cũng như các doanh nghiệp nước ngoài.
Đánh giá đầy đủ, theo ông Quang ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã bước qua thời kỳ non trẻ, bước đầu phát triển cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, các dịch vụ logistics có giá trị gia tăng (tích hợp/SPL/4PL); năng lực ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Tuy vậy, năng lực nghề nghiệp không đồng đều, còn thiếu chuyên nghiệp, dịch vụ đơn giản rời rạc, hoạt động logistics còn phân tán, thiếu kết nối nên chưa thuyết phục được chủ hàng nâng cao thuê ngoài logistics.
Trao đổi với người viết về vấn đề trong thời gian tới Việt Nam sẽ hội nhập và các doanh nghiệp ngoại ngày càng nhiều hơn tại thị trường Việt Nam, có khả năng các doanh nghiệp ngoại sẽ lấn át hết các doanh nghiệp nội trong thời gian tới hay xấu hơn là các doanh nội sẽ bị hòa tan vào các doang nghiệp ngoại.
Ông Quang cho biết, doanh nghiệp nội vẫn có những lợi thế nhất định, không ai hiểu thị trường Việt Nam bằng con người Việt Nam. Chính vì lẽ đó, để có thể thành công thì vẫn phải phụ thuộc vào các doanh nghiệp nội, bên cạnh đó, việc hợp tác hay cụ thể hơn là làm việc với các doanh nghiệp ngoại sẽ giúp doanh nghiệp nội cải thiện các tư duy, phát triển. Chính vì lẽ đó, nỗi lo doanh nghiệp nội sẽ bị hòa tan vào doanh nghiệp ngoại không tồn tại nhiều mà có thể phát triển theo hướng tích cực.
Theo VietStock
|