Tại hội nghị trực tuyến sơ kết một năm triển khai tuyến vận tải ven biển để giảm tải cho đường bộ diễn ra hôm nay 26-10, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật đánh giá hai tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh – Quảng Bình và Quảng Bình – Kiên Giang sau hơn một năm khai thác đã giảm tải đáng kể cho vận tải đường bộ, đặc biệt là các mặt hàng có khối lượng lớn như than, sắt, thép, xi măng...
Tuy nhiên, tại hội nghị nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền về các thủ tục và quy định ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Một số doanh nghiệp ở Hải Phòng than phiền, chi phí cho hoa tiêu, lai dắt tàu hiện nay còn cao, có trường hợp tàu tự vào cảng không có tàu lai dắt mà vẫn bị công ty hoa tiêu thu tiền.
Bà Trang Thị Kim Mai, chủ doanh nghiệp tư nhân Phúc Vinh ở Vĩnh Long, cho biết tàu của Phúc Vinh khi lên Vũng Tàu nhận hàng đã phải đóng phí trọng tải, khi về đến Vĩnh Long lại phải đóng thêm loại phí này, rồi khi chở hàng đi từ huyện này qua huyện kia của Vĩnh Long lại bị thu phí tiếp.
Trong khi đó, theo quy định của Bộ GTVT, tàu thủy vào, rời nhiều cảng, bến trong cùng một khu vực chỉ phải nộp một lần phí trọng tải. Khi bà Mai thắc mắc thì các cảng vụ giải thích việc thu phí trọng tải ở Vũng Tàu là do trung ương thu còn về Vĩnh Long là do địa phương thu.
“Mỗi tháng chúng tôi đi 5 chuyến tàu 1.000 tấn, riêng tiền phí trọng tải đã lên đến 18 triệu đồng, nếu đi trả hàng nhiều nơi thì số phí còn cao hơn nữa,” bà Mai nói.
Về thắc mắc này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật trả lời ngay rằng, việc thu phí trọng tải nhiều lần trong cùng một khu vực là sai, Bộ GTVT sẽ thành lập đoàn kiểm tra để xem xét vấn đề này.
Một số doanh nghiệp ở phía Bắc đề nghị Bộ GTVT bỏ bớt một số giấy phép đối với tàu vận tải ven biển, ví dụ như giấy chứng nhận vận tải ven biển, khi thuyền trưởng đã có bằng lái tàu biển thì không phải đi học lại để được cấp bằng thuyền trưởng cấp SB (tàu sông pha biển).
Đồng tình với những đề nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Nhật cho rằng khi thuyền trưởng đã có bằng lái tàu biển có nghĩa là đã lái được tàu tải trọng lớn, giờ lái các loại thấp hơn lại bắt đi học lại là không cần thiết: "Hiện nay, chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính mà lại đẻ thêm ra thủ tục làm gì. Cần phải bỏ các thủ tục này để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bây giờ đang khuyến khích phát triển vận tải thủy, mà đẻ ra nhiều thủ tục, phát sinh nhiều chi phí thì ai đi! “ ông Nhật nói.
Ông Nhật cũng giao cho các đơn vị tham mưu của Bộ GTVT nhanh chóng loại bỏ những bất cập mà doanh nghiệp nêu để tăng thêm lượng tàu và lượng hàng trên tuyến ven biển nhằm giảm tải cho đường bộ.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, sau hơn một năm mở hai tuyến vận tải ven biển là Quảng Ninh – Quảng Bình và Quảng Bình – Kiên Giang, tính đến 30-9, đã có hơn 6 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển bằng các tuyến vận tải ven biển. Các mặt hàng chủ yếu vận chuyển bằng tuyến đường này như than, xỉ than, đá, đất, sắt, phân bón, xi măng, quặng, dầu FO..
Trong đó, tuyến từ Quảng Ninh, Hải Phòng đi Thanh Hóa chủ yếu là vật liệu xây dựng, thiết bị, than phục vụ dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tuyến Hải Phòng đi Vũng Áng (Hà Tĩnh) gồm mặt hàng thiết bị, máy móc vật liệu xây dựng, phục vụ dự án Formosa và khu vực.
Còn tuyến từ TPHCM đi Vũng Tàu, Kiên Giang và ngược lại chủ yếu là chở các mặt hàng tổng hợp như gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, gỗ….
Từ khi công bố tuyến vận tải ven biển vào tháng 7-2014 đến 30-9-2015 đã có 593 tàu được cấp giấy chứng nhận hoạt động tuyến vận tải ven biển, trong đó có 488 tàu chở container.
Kể từ khi Bộ GTVT thắt chặt việc kiểm tra tải trọng trên đường bộ trên toàn quốc từ ngày 1-4-2014, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vận tải bằng tàu thủy do giá cước rẻ hơn nhiều so với vận chuyển đường bộ.
Theo giá cước được Bộ GTVT khảo sát và công bố, tuyến vận tải bằng đường bộ từ Hải Phòng đi Thanh Hóa cho một container 20 feet vào khoảng 10 đến 12 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 18 đến 20 triệu đồng. Trong khi đó, vận tải bằng đường thủy từ Hải Phòng đi Thanh Hóa chỉ 2,4 triệu đồng, đi Nghệ An - Hà Tĩnh khoảng 3 đến 3,2 triệu đồng. Về thời gian vận chuyển từ Hải Phòng đi Thanh Hóa bằng đường bộ khoảng 6 giờ, trong khi bằng đường thủy khoảng 10 giờ. |