Phân luồng tờ khai hải quan là một biện pháp nghiệp vụ của cơ quan Hải quan để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, mặt khác Tổng cục Hải quan cũng luôn chủ động xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi lợi dụng phân luồng tờ khai để thực hiện các hành vi vi phạm.
Báo Hải quan phỏng vấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn (ảnh) xoay quanh vấn đề này.
Thưa Phó Tổng cục trưởng, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho các DN chấp hành tốt pháp luật, Tổng cục Hải quan có lường được những nguy cơ lợi dụng phân luồng tờ khai hải quan để thực hiện hành vi gian lận?
Việc cơ quan Hải quan thực hiện phân luồng kiểm tra, kiểm soát đối với từng DN, từng nhóm hàng hóa XNK (phân luồng Xanh, Vàng, Đỏ) là biện pháp để tạo thuận lợi cho những DN chấp hành tốt pháp luật. Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc phân luồng tờ khai hải quan đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi DN có thể khai báo và thực hiện thông quan trong chưa đầy một phút. Điều này cũng được DN chấp hành tốt pháp luật, DN đầu tư nước ngoài, các tổ chức quốc tế, ví dụ như Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, thực tế khách quan thì việc phân luồng tờ khai cũng có nguy cơ bị một số đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm. Để ngăn chặn, ngay từ khi triển khai chính thức Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS (ngày 1-4-2014), Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp để quản lý, giám sát, nhằm đấu tranh phòng, chống một cách hiệu quả. Vì vậy, thời gian qua, lực lượng Hải quan liên tục chủ động bắt giữ nhiều lô hàng vi phạm, có những trường hợp hàng hóa bị bắt giữ lên đến hàng nghìn tấn, trị giả cả trăm tỷ đồng (vụ việc phát hiện gần 200 container hàng cấm tại khu vực cảng TP.HCM mới đây).
Thưa Phó Tổng cục trưởng, đâu là yếu tố then chốt giúp lực lượng Hải quan kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm vừa qua?
Để đấu tranh một cách có hiệu quả, lực lượng Hải quan đã sử dụng đồng bộ, nhịp nhàng các biện pháp nghiệp vụ, từ thu thập thông tin tình báo hải quan, đưa thông tin vào cơ sở dữ liệu, sau đó kết nối với các bộ, ngành, kết nối các lực lượng chức năng thuộc ngành Hải quan (như bộ phận thông quan, kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan, giám sát cổng cảng, kho bãi…); đồng thời kết hợp với sử dụng các trang thiết bị hiện đại như máy soi container, máy soi hành lý, máy bay không người lái, thiết bị kiểm soát chất ma túy, camera giám sát… kết nối với Phòng Giám sát hải quan trực tuyến (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan).
Trong đó việc nắm bắt thông tin một cách chính xác về các lô hàng nghi vấn rất quan trọng. Các vụ án được phát hiện, bắt giữ vừa qua cho thấy, lực lượng Hải quan đã nắm bắt, kiểm soát được thông tin lô hàng nghi vấn từ khi hàng hóa được đưa lên tàu ở nước xuất khẩu. Ví dụ như vụ phát hiện gần 4 tấn ngà voi, 4 tấn vảy tê tê và 142 kg sừng tê giác nhập lậu về cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) tháng 8 vừa qua, lực lượng Hải quan đã theo dõi lô hàng cấm này từ khi bắt đầu xếp hàng lên tàu ở Mozambique- nước xuất khẩu (châu Phi), sau đó theo dõi sát sao hải trình của chiếc tàu có chở lô hàng cấm này (từ lúc rời Mozambique đã đến những cảng nào, vào ngày nào, giờ nào… trước khi đến Việt Nam).
Hay vụ việc kiểm soát 1.000 container quá hạn làm thủ tục hải quan, hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện tại TP.HCM mới đây, qua các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với sử dụng máy soi container, lực lượng Hải quan đã sàng lọc được hơn 200 container nghi chứa hàng cấm và xác định rõ được vị trí từng container trong bãi cảng, cũng như ngày giờ cập cảng và chủ của từng container. Kết quả khám xét chứng minh đúng như thông tin nghi vấn do lực lượng Hải quan xác lập, phân tích trước đó.
Như vậy, một mặt, ngành Hải quan tiến hành cải cách, hiện đại hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại phát triển, mặt khác cũng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng cục trưởng!
Theo báo Hải Quan