|
Cơ sở hạ tầng hiện đại và hiệu quả đóng vai trò then chốt góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.
Nhận định trên được nêu tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam thường niên 2015 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN để hội nhập quốc tế”.
Đẩy mạnh hợp tác công - tư phát triển cơ sở hạ tầng
Diễn đàn là cơ chế đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam, cộng đồng DN trong và ngoài nước nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của khối DN tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư và tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
Tại diễn đàn, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận những vấn đề còn tồn tại với cộng đồng DN và môi trường kinh doanh tại Việt Nam như: Năng suất lao động thấp, thực thi công cuộc cải cách hành chính còn bất cập, khó khăn trong cải thiện môi trường kinh doanh.Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào các khối kinh tế lớn như cộng đồng ASEAN, liên minh châu Âu EU, TPP... Việt Nam đang có nhiều cơ hội và cả những áp lực phải hoàn thiện cơ chế hỗ trợ DN không bị tụt hậu.
Doanh nghiệp tư nhân vẫn “cô đơn”
Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, khu vực kinh tế tư nhân vẫn “cô đơn” khi chính sách hỗ trợ phát triển khu vực này chưa đủ mạnh, chưa có sự lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương cũng như kết nối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). VCCI đang trao đổi, thống nhất với các Phòng thương mại công nghiệp, Hiệp hội DN trong và ngoài nước hình thành các liên minh DN để thúc đẩy sự tham gia của các DN tư nhân trong nước vào các chuỗi giá trị của các tập đoàn xuyên quốc gia và các FDI. |
Cộng đồng DN và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đưa ra đề xuất với các Bộ, ngành về tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các DN, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng, đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa cải cách về môi trường đầu tư để giảm thiểu chi phí không chính thức.
Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đặt vấn đề: Chính phủ cần tăng cường thu hút vốn từ nhiều nguồn, trong đó có hình thức hợp tác công tư PPP. Cụ thể, ông Tomaso Andreatta phân tích: Cơ sở hạ tầng hiện đại và hiệu quả đóng vai trò then chốt góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư tại Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và đô thị hóa đang đẩy cao nhu cầu đối với công trình, đường sá, điện, cảng, bệnh viện… cơ sở hạ tầng khác dành cho hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu về cơ sở hạ tầng Việt Nam (khoảng 170 tỷ USD) từ năm 2011 - 2020. Vì vậy, ngân sách cần đến từ các nguồn khác bao gồm đầu tư tư nhân trong hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Giá sàn xếp dỡ tại cảng?
Liên quan tới lĩnh vực hạ tầng và cảng biển, tại diễn đàn, Tiểu nhóm Hạ tầng cảng và vận tải biển cho biết, cơ chế mức giá tối thiểu đang áp dụng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải không thể áp dụng tương tự cho các cảng biển trên cả nước, do điều kiện tại các cảng biển rất khác nhau. Nhóm cho rằng, việc mở rộng áp dụng cơ chế đó cho các cảng trên toàn quốc là chưa có cơ sở và không có lợi cho các nhà xuất nhập khẩu.
Liên quan tới vấn đề này, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cũng cho biết, hiện nay, mức giá dịch vụ bốc dỡ container tại TP HCM và Hải Phòng chỉ bằng 30 - 40% mức giá hãng tàu thu của chủ hàng và thấp nhất so với các cảng biển nước ngoài trong khu vực với quy mô và đầu tư trang thiết bị tương tự. Ông Cường cho rằng, như vậy, giá dịch vụ bốc dỡ container của Việt Nam đang ở mức bất thường. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến ổn định KT - XH của hai khu vực kinh tế trọng điểm nhất cả nước là TP HCM và Hải Phòng.
Để khắc phục bất cập kể trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, sau khi lấy ý kiến góp ý của các DN và các bên liên quan, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ Dự thảo Nghị định về công bố giá cước và phụ cước vận tải biển, đồng thời yêu cầu công khai giá và phụ phí vận chuyển bằng đường biển để DN chủ động. Theo đó, Nghị định khi được ban hành sẽ có hiệu lực cùng với Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2016. Thứ trưởng cũng cho biết, hàng quý, Bộ GTVT sẽ tổ chức đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Theo báo Giao thông.
|