Theo các cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, vấn đề chính hiện nay của cảng biển Việt Nam là vận hành chưa hợp lý, có những cảng quá tải, trong khi một số cảng chưa khai thác hết tiềm năng.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, cho biết, Tập đoàn Hoa Sen và nhiều DN chọn địa điểm đặt nhà máy tại KCN Phú Mỹ (Bà Rịa- Vũng Tàu) vì nơi đây có cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, Tân cảng Phú Mỹ... có thể đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa.
Tuy nhiên, thực tế trong những năm qua, DN khá vất vả trong việc vận chuyển hàng hóa XNK vì có rất ít hãng tàu chuyên chở container chạy tuyến quốc tế cập những cảng này.
Để XK được hàng hóa, DN phải vận chuyển quãng đường khoảng 160 km từ KCN Phú Mỹ đến cụm cảng TP.HCM, làm chi phí vận chuyển tăng lên gấp 3 lần.
Theo đó, nếu DN xuất khẩu hàng tại cụm cảng Phú Mỹ thì chi phí vận chuyển nội địa chỉ 1,7 triệu đồng cho một container 24 tấn, trong khi hiện nay DN phải XK hàng tại cảng Cát Lái nên chi phí vận chuyển nội địa lên đến trên 4,25 triệu đồng/container.
Ngay như những khu công nghiệp lớn, có hệ thống cảng gần đó, DN cũng không thể sử dụng vì vướng tình trạng trên. Điều đó làm giảm sức cạnh tranh của DN khi XK hàng hóa do chi phí tăng, gây tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường vận chuyển, gây quá tải tại cụm cảng TP.HCM.
Với vai trò là công ty kinh doanh vận tải, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổng giám đốc Market Việt Nam, cho biết, việc khai thác cảng biển tại Việt Nam hiện chưa hiệu quả khi có cảng biển thì quá tải nhưng có cảng biển đầu tư hiện đại nhưng lại thiếu hàng hóa vận chuyển.
Chẳng hạn cảng Cái Mép - Thị Vải, dù hiện đại song lại không được sử dụng hết công suất và các hãng tàu đang gặp khó khi thuyết phục khách hàng sử dụng hai cảng này.
Ông Bùi Thiên Thu - Phó cục trưởng Cục Hàng hải cho biết, công suất cảng Cái Mép - Thị Vải mới chỉ đạt được khoảng 15%, trong khi cảng Cát Lái đang quá tải.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Tất Thành Cang, hiện TP.HCM đang đánh giá lại nguồn hàng hóa nhằm xây dựng lộ trình phát triển cảng phù hợp. Tính đến năm 2015, lượng hàng hóa qua cảng Thành phố đã chạm ngưỡng mục tiêu của năm 2020.
Đó là chưa kể từ quý 3/2016, Tập đoàn Điện tử Samsung bắt đầu có hàng điện tử gia dụng khiến cho mỗi ngày lượng hàng lưu chuyển ở Thành phố tăng thêm khoảng 500 container.
Do đó, để phát triển kinh tế, Thành phố cần giải quyết nút thắt về hạ tầng giao thông. Song, trong điều kiện ngân sách eo hẹp, Thành phố chỉ có thể xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, phần còn lại huy động từ nguồn lực các nhà đầu tư.
Do vậy, tại buổi tiếp ông Rashed Abdulla - Phó chủ tịch và Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn DP World cuối tháng 10 vừa qua, ông Tất Thành Cang đã kêu gọi Tập đoàn DP World tham gia các công trình giao thông đường bộ kết nối các tuyến đường vành đai, như tuyến giao thông từ Vành đai 2 kết nối xa lộ Hà Nội với quốc lộ 1A (đường Xuyên Á), các tuyến đường trục xuyên tâm trên cao giúp kết nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm thành phố, tuyến đường sắt trên cao kết nối giữa phía Đông và Tây với tuyến cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, hoặc trục đường xuyên tâm chạy theo quốc lộ 22 từ trung tâm thành phố đến Củ Chi...
Theo Doanh nhân Sài Gòn Online