Trước đó, dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) sử dụng vốn vay ODA từ Chính phủ Bỉ đã hoàn thành, cho phép tàu có trọng tải đến 50.000DWT ra vào, giúp nhiều tàu lớn có thể cập vào khu vực cảng Hiệp Phước.
Theo một văn bản gởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 5-11 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ vận động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi cho dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 3 với tổng số vốn ước chừng 7.900 tỉ đồng, tương đương 380 triệu đô la Mỹ.
Theo quy hoạch, cảng biển TPHCM là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực; trong đó khu vực Hiệp Phước là khu bến tổng hợp, chuyên dùng, được phát triển để thay thế các bến hiện có trên sông Sài Gòn, là đầu mối tiếp chuyển hàng xuất nhập khẩu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT, tàu container có sức chở 4.000 TEU.
Mục tiêu của dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 3 là nhằm nâng cấp, mở rộng luồng tàu và hệ thống phao tiêu báo hiệu, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000DWT (đầy tải) và trên 50.000DWT (giảm tải) ra vào các khu cảng dọc sông Soài Rạp, phục vụ phát triển kinh tế khu vực TPHCM, các tỉnh lân cận và phát triển hoàn chỉnh hệ thống cảng biển trên sông Soài Rạp.
Trước đó, theo lãnh đạo thành phố, địa phương này đang đánh giá lại nguồn hàng hóa để xác định nhu cầu phát triển hệ thống cảng toàn khu vực Đông Nam Bộ nhằm xây dựng lộ trình phát triển các cảng phù hợp cho thành phố trong tương lai. Tính đến năm 2015, lượng hàng hóa qua cảng thành phố đã chạm ngưỡng mục tiêu của năm 2020, và điều này đang kéo theo các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông.
Theo giới chuyên gia cảng biển, luồng Soài Rạp rất quan trọng do hiện nay luồng sông Lòng Tàu đưa tàu vào khu vực cụm cảng tại Cát Lái có độ sâu không bằng sông Soài Rạp. Khu vực cảng Cát Lái lại nằm sâu trong nội địa, nếu tiếp tục phát triển sẽ để lại các hệ lụy bất lợi về giao thông đô thị, do vậy xu hướng dịch chuyển luồng hàng từ cụm cảng Cát Lái xuống cụm cảng Hiệp Phước theo chiến lược tiến ra biển của thành phố là tất yếu và hợp lý, khả thi và việc ổn định luồng Soài Rạp là điều kiện giúp TPHCM và các tỉnh lân cận phát triển kinh tế.
Về lâu dài, lượng hàng hóa đổ về cụm cảng Hiệp Phước sẽ tăng, nếu có phương án nạo vét, duy trì độ sâu ổn định luồng Soài Rạp, và điều này sẽ giúp kinh tế thành phố phát triển đúng với chiến lược phát triển về phía biển đã đặt ra.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.