Đây là thông tin được ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết tại buổi tiếp ông Rashed Abdulla, Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc điều hành châu Á Thái Bình Dương của Tập đoàn DP World chiều nay, 27-10. DP World là công ty góp 80% vốn vào Cảng container Trung tâm Sài Gòn - SPCT.
Theo ông Cang, trong thời gian đánh giá nhu cầu hàng hóa này, thành phố tiếp tục nâng cao năng lực, công suất hoạt động của các cảng lớn khu vực Hiệp Phước, Cảng Sài Gòn, đồng thời mở rộng dịch vụ logistics, kho chứa, khu tập kết hàng xuất khẩu để có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao thời gian sắp tới.
Ông Cang cho biết từ quý 3-2016 Tập đoàn điện tử Samsung bắt đầu có sản phẩm hàng điện tử gia dụng khiến cho mỗi ngày lượng hàng lưu chuyển ở thành phố tăng thêm khoảng 500 container.
Hiện nay điểm nghẽn cho sự phát triển kinh tế của thành phố là hạ tầng giao thông bị quá tải song trong điều kiện ngân sách eo hẹp, thành phố chỉ có thể xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, phần còn lại huy động từ nguồn lực các nhà đầu tư.
Do vậy, ông Cang kêu gọi Tập đoàn DP World tham gia các dự án giao thông đường bộ kết nối các tuyến đường vành đai, như tuyến giao thông từ Vành đai 2 kết nối Xa lộ Hà Nội với Quốc lộ 1A (đường Xuyên Á), các tuyến đường trục xuyên tâm trên cao giúp kết nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm thành phố, tuyến đường sắt trên cao kết nối giữa phía Đông và Tây với tuyến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, hoặc trục đường xuyên tâm chạy theo Quốc lộ 22 từ trung tâm thành phố đến Củ Chi…
Ngoài ra, nhóm dự án hạ tầng mà thành phố đang tập trung xây dựng là tám tuyến đường sắt đô thị (metro). Hiện nay tuyến metro số 1 đang xây dựng, tuyến metro số 2 mới khởi công, và còn 6 tuyến metro khác đang kêu gọi đầu tư, bình quân mỗi tuyến cần vốn đến 2 tỉ đô la Mỹ nên cả 6 tuyến còn lại cần đến trên 12 tỉ đô la Mỹ, ông Cang nói với lãnh đạo Tập đoàn DP World.
Theo ông Rashed Abdulla, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh trong khoảng 5 năm tới. Lĩnh vực chính của tập đoàn DP World là xếp dỡ hàng hóa, container cảng.
Ông Rashed Abdulla đã đề nghị chính quyền thành phố tăng cường cải thiện hạ tầng đường sá, nạo vét luồng sông Soài Rạp ra vào cảng SPCT vì sắp tới lượng hàng hóa qua cảng này ngày càng tăng bởi khả năng DP World có thể lôi kéo thêm các hãng tàu ra vào cảng TPHCM.
Trước đó vào tháng 8-2015, một số hãng tàu đã hoãn kế hoạch tăng kích cỡ tàu do lo ngại không an toàn khi ra vào Cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT) do các điểm cạn tại cửa sông Soài Rạp và sông Vàm Cỏ. Thiệt hại ban đầu là cảng SPCT đã bị mất hàng ngàn TEU hàng mỗi tháng.
Trong một bức thư gởi lãnh đạo UBND thành phố hồi cuối tháng 7-2015, ông Rashed Abdulla cho biết, từ khi hoàn thành giai đoạn 1 nạo vét luồng Soài Rạp, cảng SPCT đã nhận nhiều phản hồi tích cực từ các hãng tàu, một số hãng tàu quốc tế bắt đầu tăng kích cỡ tàu đến TPHCM thông qua luồng Soài Rạp.
Tuy nhiên, theo ông Rashed Abdulla, từ tháng 11-2014 đến nay độ sâu của luồng Soài Rạp không còn đạt mức -9,5 mét tại một vài điểm. Vì lý do này, trong tháng 11 năm ngoái hãng tàu NYK đã quyết định chuyển các dịch vụ của tuyến tàu từ cảng SPCT sang khu vực Cái Mép, và kết quả SPCT đã mất 6.000 TEU hàng mỗi tháng.
Các hãng tàu khác như CMA, MSC, Huyndai và NYK đã tạm hoãn kế hoạch tăng kích cỡ tàu của họ do lo ngại không an toàn khi di chuyển do các điểm cạn tại cửa sông Soài Rạp và sông Vàm Cỏ.
Mới đây nhất, UBND thành phố cho biết do việc sa bồi tại luồng Soài Rạp diễn ra nhanh với khối lượng lớn, ước tính hàng năm khoảng 2,5 triệu mét khối, nên chi phí duy tu, nạo vét lên tới khoảng 334 tỉ đồng/năm. Còn theo thông báo hồi tháng 4 của Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam, trên luồng tàu Soài Rạp đã xuất hiện một số dải cạn ảnh hưởng lớn đến việc ra vào cảng của tàu biển.
Theo ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, luồng Soài Rạp rất quan trọng do hiện nay luồng sông Lòng Tàu đưa tàu vào khu vực cụm cảng tại Cát Lái có độ sâu không bằng sông Soài Rạp. Khu vực cảng Cát Lái lại nằm sâu trong nội địa, nếu tiếp tục phát triển sẽ để lại các hệ lụy bất lợi về giao thông đô thị, do vậy xu hướng dịch chuyển luồng hàng từ cụm cảng Cát Lái xuống cụm cảng Hiệp Phước theo chiến lược tiến ra biển của thành phố là tất yếu và hợp lý, khả thi và việc ổn định luồng Soài Rạp là điều kiện giúp TPHCM và các tỉnh lân cận phát triển kinh tế.
Về lâu dài, lượng hàng hóa đổ về cụm cảng Hiệp Phước sẽ tăng, nếu có phương án nạo vét, duy trì độ sâu ổn định luồng Soài Rạp thì sẽ giúp đẩy hàng hóa tập trung về cụm cảng phía Nam thành phố và điều này sẽ giúp kinh tế thành phố phát triển đúng với chiến lược phát triển về phía biển đã đặt ra.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn.